Chính sách cạnh tranh khi nào mới là linh hồn của nền kinh tế?

Thứ Tư, 04/10/2017, 16:34 [GMT+7]

Muốn làm được điều này cơ quan cạnh tranh phải độc lập để thực hiện tốt các nhiệm vụ thực thi, phản biện và kiểm soát.
 
Khẳng định cạnh tranh là linh hồn và nền tảng của kinh tế thị trường, tại “Diễn đàn chính sách cạnh tranh quốc gia” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 3/10, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần điều chỉnh luật pháp và chính sách để kiểm soát, loại bỏ hành vi độc quyền, loại bỏ các rào cản, hạn chế mức độ cạnh tranh trên thị trường, xóa bỏ phân biệt đối xử tiến tới tiếp cận công bằng các nguồn lực.

Trên quan điểm này, nhiều ý kiến góp ý bày tỏ quan điểm, muốn có thị trường cạnh tranh phải có chính sách cạnh tranh tốt. Chính sách cạnh tranh tốt gồm 2 yếu tố quan trọng tác động trực tiếp, đó là phải có Luật Cạnh tranh tốt và các hành vi phản cạnh tranh phải được xử lý kịp thời.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một trong những điểm hết sức quan trọng của hệ thống pháp luật cạnh tranh là phải có cơ quan cạnh tranh độc lập, có đủ thẩm quyền, đủ khả năng để xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
 

1
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).


Bởi vì thách thức lớn của các cơ quan xây dựng chính sách pháp luật hiện nay chính là không thành lập một cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Chính phủ, vẫn nằm trong Bộ Công Thương nhưng phải đảm bảo được tính độc lập. Trong khi Bộ Công Thương vẫn đang quản lý và là chủ sở hữu của nhiều tập đoàn kinh tế lớn, nếu không làm tốt sẽ vẫn dẫn tới sự chi phối, dẫn dắt thị trường.

“Cơ quan quản lý cạnh tranh nằm trong Bộ Công Thương nhưng về thẩm quyền vẫn có thể hoàn toàn độc lập. Cơ quan này giống như quản lý đăng ký kinh doanh nằm trong Bộ kế hoạch và Đầu tư nhưng thẩm quyền, hệ thống, chức năng tương đối độc lập với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Doanh nghiệp đang mong chờ có 1 cơ quan cạnh tranh độc lập với các bộ, độc lập tương đối với các cơ quan quản lý nhà nước và có tiếng nói độc lập”, ông Tuấn đề xuất.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong điều kiện phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường thì năng lực, vị trí của cơ quan cạnh tranh đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Do đó, cơ quan cạnh tranh cho dù nó được đặt ở bất kỳ nơi nào nó phải là 1 cơ quan độc lập và ra quyết định nhân danh của cơ quan đó, không phải là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, càng không phảo tham mưu cho các Bộ, ngành.
 
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm, nếu ở các luật khác không nhìn thấy bóng dáng của các cơ quan thực thi, thì với luật cạnh tranh, nếu thiếu một cơ quan độc lập, có đủ năng lực và nguồn lực để thực thi luật cạnh tranh thì rất khó để có được một thể chế thị trường cạnh tranh công bằng và minh bạch.

“Khi thực thi Luật Cạnh tranh là để loại bỏ những hành vi hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp, loại bỏ những hành vi lạm dụng thế độc quyền, thống lĩnh thị trường và cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp. Đối với những hành vi này, cần phải có 1 cơ quan độc lập mới làm được, nếu cứ dính vào một bộ nào đấy, kèm vào một lợi ích nào không thể làm được”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ.

Theo các chuyên gia, trong điều kiện đất nước đang đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, năng lực, vị trí của cơ quan cạnh tranh đóng vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định có hay không một thị trường cạnh tranh, công bằng và xóa bỏ được sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp./.

 

Theo VOV

.