Xem xét trách nhiệm người đứng đầu 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương
Người đứng đầu doanh nghiệp buông lỏng quản lý, không nghiêm chấp hành chủ trương, pháp luật và không thực hiện tốt công tác quản trị doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đang rốt ráo xử lý 12 dự án nghìn tỷ yếu kém trong bối cảnh chồng chất khó khăn. Nhiều dự án dù đi vào hoạt động trở lại vẫn tiếp tục thua lỗ. Trong khi đó, có những dự án chưa tìm được vốn để khởi động lại, thậm chí có dự án bán đấu giá nhiều lần mà không ai mua.
Thực trạng này đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành Công Thương khi vừa phải xử lý dứt điểm các dự án, vừa phải chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm trong các dự án nghìn tỷ thua lỗ.
Nhiều dự án vẫn thua lỗ, chưa khởi động lại
Trong số 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương, hiện có 6 dự án đi vào vận hành nhưng thua lỗ. Riêng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có tới 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón. Ngoại trừ công ty DAP – Vinachem có lãi trong kỳ khoảng 4 tỷ đồng, tháng 9/2017 ước lãi 6,7 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2017 có lãi lũy kế, còn lại 3 dự án vẫn lỗ, do giá nguyên liệu cao, giá sản phẩm thấp.
PVTex đang gặp vướng mắc lớn nhất là thiếu vốn để duy tu và khởi động lại dự án. (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Nguyễn Gia Tường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, các dự án này vẫn còn nhiều khó khăn. Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, không tiết giảm được chi phí, dẫn đến chi phí kinh doanh lớn, nên đã thay giám đốc mới.
Tương tự, với Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, kết quả kinh doanh không đạt yêu cầu, Tập đoàn sẽ xem xét thay thế nhân sự. Mặc dù nỗ lực xử lý các dự án, nhưng hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.
“Hiện nay việc quyết toán hợp đồng EPC rất khó khăn. Theo chỉ đạo của Tập đoàn, 2 dự án DAP số 2 và Đạm Hà Bắc thuê tư vấn pháp luât để đồng hành cùng công ty đàm phán với nhà thầu và nghiên cứu hồ sơ vướng mắc để chuẩn bị nếu xảy ra tranh chấp pháp lý”, ông Tường nói.
Trong khi đó, hàng loạt dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn chưa thể khởi động lại. Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi chưa thu xếp được chi phí để khắc phục, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải nên nhà máy chỉ hoạt động 60% công suất thiết kế. Dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ (PVTex) Hải Phòng cũng đang trong tình trạng "hết sức khó khăn" và vẫn chưa khởi động lại.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, một trong những vướng mắc lớn nhất là thiếu vốn để duy tu và khởi động lại dự án. Các cổ đông tiếp tục góp vốn vào các dự án yếu kém để duy trì vận hành khởi động lại nhà máy lại không phù hợp luật quản lý vốn các doanh nghiệp Nhà nước, vì các cổ đông đều là doanh nghiệp Nhà nước.
“Theo luật các cổ đông là doanh nghiệp không có quyền được tiếp tục góp vốn vào các dự án yếu kém đang lỗ. Do đó Tập đoàn cần tuyên bố rõ ràng của Chính phủ rằng các doanh nghiệp là cổ đông của các dự án và là cổ đông nhà nước được phép góp vốn để chạy lại các nhà máy”, ông Sơn đề xuất.
Thực tế, cơ chế tài chính hiện là một trong những nút thắt lớn. Chủ trương của Chính phủ là không bỏ thêm vốn ngân sách nhà nước vào các dự án thua lỗ. Muốn xử lý dứt điểm yếu kém và khởi động lại dự án thì không có cách nào khác là phải có tiền.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, có hay không bỏ thêm tiền để "cứu" các dự án, thì lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty phải tự chịu trách nhiệm về việc này, không nên trông chờ Chính phủ có cho phép hay không. Ngoài ra, để giải quyết bài toán khó khăn liên quan đến vốn vay của các dự án, các tập đoàn, tổng công ty cần làm việc với các ngân hàng thương mại để cơ cấu lại khoản nợ, giảm lãi vay và giãn tiến độ trả nợ.
Không để buông lỏng quản lý
12 dự án yếu kém đang phải xử lý của Bộ Công Thương có tổng vốn đầu tư rất lớn, lên tới hơn 63.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay hơn 47.000 tỷ đồng. Hiện các dự án này lỗ lũy kế lên tới hơn 16.000 tỷ đồng.
Nhiều dư án phải dừng thi công vì chi phí tăng cao và thiếu vốn, như Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy Ethanol Phú Thọ. Đau xót hơn là Nhà máy bột giấy Phương Nam đầu tư tới hơn 3.000 tỷ đồng, nhưng nay bán đấu giá 2 lần vẫn không ai mua.
Mới đây, tại cuộc họp về xử lý 12 dự án không hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, có hiện tượng buông lỏng quản lý, người đứng đầu doanh nghiệp không nghiêm trong chấp hành chủ trương pháp luật và không thực hiện tốt công tác quản trị doanh nghiệp.
Các tập đoàn, tổng công ty phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các dự án này trong việc chấp hành chỉ đạo chung của Chính phủ. Trường hợp tuân thủ không nghiêm, thì xem xét trách nhiệm, cần thiết có phương án thay thế và kiện toàn lại nguồn nhân lực và nhân sự các dự án.
“Trong thời gian qua có tình trạng buông lỏng làm chưa tốt, không chỉ ở các dự án tồn đọng mà còn nhiều dự án khác, có hiện tượng Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT để doanh nghiệp thua lỗ, vi phạm nhiều mà buông lỏng quản lý. Đề nghị Vụ Tài chính đổi mới doanh nghiệp cùng phối hợp Thanh tra Bộ rà soát, xem xét trách nhiệm bộ phận quản lý vốn, đại diện vốn nhà nước và chức danh cụ thể, kể cả ở công ty cấp 2, 3. Việc này phải làm kiên quyết trong thời gian tới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Hiện Bộ Công Thương đang gấp rút xây dựng Dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Quốc hội về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án, doanh nghiệp thuộc ngành công thương thời gian qua trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2017. Với hàng loạt khó khăn, dự kiến đến năm 2020 mới hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp.
Mục tiêu lớn nhất là vực dậy các dự án đưa vào hoạt động hiệu quả, hoặc khôi phục vận hành lại, trước khi thoái vốn, bán dự án. Dù còn rất nhiều khó khăn, song vẫn phải sớm xử lý dứt điểm 12 dự án này, bởi càng kéo dài, càng thua lỗ, thiệt hại cho nền kinh tế đất nước càng lớn hơn./.
Theo VOV