Giảm nhập siêu từ Thái Lan: Sản phẩm trong nước phải tốt hơn
Để thay đổi tình thế không phải chú trọng vào ngăn chặn nhập khẩu mà cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất trong nước.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt khoảng 9,64 tỷ USD. Đáng chú ý, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan chỉ đạt khoảng 3,07 tỷ USD thì kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam đạt 6,57 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016.
5 nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan trong 8 tháng đầu năm 2017, góp phần lớn vào giá trị nhập siêu từ Thái Lan là hàng điện gia dụng và linh kiện (646 triệu USD), rau quả (618 triệu USD), ô tô nguyên chiếc (432 triệu USD), xăng dầu các loại (406 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (403 triệu USD), linh kiện phụ tùng ô tô (340 triệu USD).
Theo ông Lê Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu từ Thái Lan tăng nhanh trong thời gian qua là do Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết trong ATIGA. Từ đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan đã được hưởng thuế suất thuế ưu đãi theo lộ trình cam kết trong Hiệp định.
8 tháng năm 2017, Việt Nam nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan lên tới 432 triệu USD. (Ảnh minh họa: KT) |
Mặt khác, Thái Lan đã thiết lập kênh phân phối vững chắc và đang tiếp tục mở rộng tại Việt Nam. Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group đã tiến hành mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam thời gian qua và tiếp tục có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Thái đưa trực tiếp hàng Thái tới người tiêu dùng Việt Nam.
Cũng theo ông Hoàng Anh, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý ưa chuộng hàng Thái Lan cả về giá cả, mẫu mã và chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng điện, điện tử, sản phẩm gia dụng, hoa quả và hàng tiêu dùng khác. “Trước đây, nhiều mặt hàng tiêu dùng chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, nay chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan do người tiêu dùng đánh giá hàng Thái tốt hơn so với hàng Trung Quốc”, ông Hoàng Anh chỉ rõ.
Bàn về thực trạng này, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, cần đặt vấn đề tăng cường xuất khẩu sang Thái Lan và phát triển thương mại một cách bền vững. Trong tổng thể thị trường, có thị trường nhập siêu cũng là điều bình thường, nhưng quan trọng hơn là phải làm cho thị trường tốt lên.
Cụ thể là vẫn có những mặt hàng từ Thái Lan chất lượng rất tốt và Việt Nam cần nhập khẩu nhằm khai thác lợi thế thị trường. Do đó, cách tiếp cận thị trường không phải chú trọng vào việc ngăn chặn nhập khẩu, mà cần kéo các Bộ, ngành cùng vào cuộc để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất trong nước.
Ông Sơn nêu thực tế, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Thái Lan đạt thấp là do công tác xúc tiến thương mại tại thị trường Thái Lan còn hạn chế, chỉ một số vụ việc đơn lẻ do các Vụ, địa phương tự tổ chức thực hiện. Nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại khi tham gia xúc tiến thương mại tại thị trường Thái Lan và hiện nay cục đang tìm cách làm mới. Để tổ chức hoạt động này bền vững, bước đầu các doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia các hội chợ lớn của Thái Lan.
Cùng đưa ra nhóm giải pháp cho vấn đề này, ông Lê Hoàng Anh cho rằng, cần có giải pháp kiểm soát nhập khẩu không chỉ Việt Nam đặt ra mà phải phù hợp với các quy định của quốc tê, bởi hiện bản thân Thái Lan cũng áp dụng với các nước, như hạn chế khả năng thâu tóm hệ thống bán lẻ,
Đối với nhóm hàng ô tô, Việt Nam cần có biện pháp tính thuế, nhóm linh kiện kiểm soát nghiêm việc tiêu thụ hàng giả và xem xét biện pháp phòng vệ thương mại với thép nhập khẩu.
Mặt khác, đối với các doanh nghiệp trong nước cần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng tiêu dùng. Đơn cử mặt hàng rau củ trái cây, ngoài việc quy hoạch vùng sản xuất và hỗ trợ chỉ dẫn địa lý, thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần mở rộng hợp tác với doanh nghiệp bán lẻ của Thái Lan để đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối.
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhập siêu từ Thái Lan, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ cần phải tìm hiểu toàn diện lý do tại sao Việt Nam lại nhập siêu từ Thái Lan, trong khi cũng là các nước trong khu vực ASEAN như Indonessia, Philippines… hàng hóa của Thái Lan lại không thể thâm nhập sâu rộng như tại thị trường Việt Nam.
Quan trọng hơn nữa là vai trò của công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương và các bộ ngành khác trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại. Hiện công tác này vẫn còn nhiều hạn chế nên cần khắc phục mạnh mẽ trong thời gian tới. "Cần xác định rằng, chúng ta làm không phải vì Bộ Công Thương mà vì cộng đồng doanh nghiệp, xã hội", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Không đồng tình với việc lập hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế nhập siêu, Bộ trưởng cho rằng, hàng rào kỹ thuật phải gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa và gắn với an toàn thực phẩm, không phải là công cụ để quản lý sản phẩm. “Chúng ta phải chấp nhận dẹp bỏ các doanh nghiệp làm ăn gian dối để nâng cao năng lực sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới việc phát triển bền vững hệ thống thương mại”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ./.
Theo VOV