Triển vọng nghề khai thác mủ cao su
Điện Biên TV - Sau gần 10 năm bén rễ với mảnh đất Điện Biên, những diện tích cao su đầu tiên của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đã bắt đầu cho thu hoạch. Những giọt “vàng trắng” không chỉ mang đến niềm vui cho doanh nghiệp mà còn mở ra cơ hội việc làm, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân; góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Mặc dù đã gần 11 giờ trưa nhưng 50 học viên lớp tập huấn kỹ thuật khai thác mủ cao su tại Nông trường Cao su Mường Chà vẫn hăng say thực hành, khéo léo thực hiện từng thao tác kỹ thuật cạo mủ. Không khí vui tươi, phấn khởi hòa với tiếng nói, cười rộn rã của các học viên dường như đã xua tan cái nắng nóng của buổi trưa oi ả.
Các học viên thực hành kỹ thuật khai thác mủ cao su tại Nông trường Cao su Mường Chà. |
Có mặt tại lớp tập huấn cạo mủ cao su lần này, hầu hết là người dân đến từ các xã, bản trên địa bàn huyện Mường Chà; mới lần đầu được tiếp cận với kỹ thuật khai thác mủ cao su nên nhiều người vẫn tỏ ra rất lúng túng khi thực hành. Những buổi đầu chưa quen với thao tác cạo mủ cao su, anh Quàng Văn Núi, bản Na Sang 1, xã Na Sang, huyện Mường Chà cảm thấy việc thực hành thật khó khăn; nhưng sau 10 ngày tập huấn, được giảng viên hướng dẫn nhiệt tình, tỉ mỉ, anh đã nắm vững kỹ năng khai thác mủ cơ bản và đã biết thiết kế, quy hoạch mặt cạo, mở miệng cạo cho cây cao su…
Với những kiến thức lý thuyết và kỹ thuật được học trong lớp tập huấn lần này, anh Núi có chung mong muốn như nhiều học viên trong lớp là sẽ trở thành công nhân khai thác mủ cao su cho Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên để có việc làm, thu nhập ổn định. Anh Núi chia sẻ: “Vì không có việc làm, gia đình tôi chỉ trông chờ vào làm nương, ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Khi Nông trường Cao su Mường Chà (Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên) mở lớp tập huấn kỹ thuật khai thác mủ cao su, tôi rất phấn khởi! Vì vậy, tôi đã tích cực thực hành, tập luyện sao cho đúng yêu cầu kỹ thuật mà giáo viên đã hướng dẫn; hy vọng được trở thành công nhân của công ty để có việc làm, đem lại thu nhập ổn định hơn”.
Là giáo viên trực tiếp giảng dạy kỹ thuật khai thác mủ cao su, chị Lâm Thị Xô, Giảng viên Trường Cao đẳng Cao su cũng mong muốn người lao động sau tập huấn sẽ gắn bó với nghề để có cuộc sống ấm no hơn. Bởi vì cây cao su có chu kỳ khai thác mủ kéo dài đến 20 năm. Hàng năm, người lao động có thể làm việc, khai thác mủ trong khoảng 9/12 tháng; vì vậy đây là cơ hội tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và các hộ góp đất sản xuất trồng cao su.
Việc khai thác mủ cao su đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật rất cao nên để giúp khai thác mủ cao su đúng quy trình kỹ thuật, đem lại năng suất và chất lượng mủ cao hơn, chị Xô luôn chú trọng truyền đạt cho học viên những kinh nghiệm về kỹ thuật khai thác mủ. Trong những ngày tập huấn vừa qua, chị Xô đánh giá các học viên đều chú ý lắng nghe giáo viên hướng dẫn và chăm chỉ luyện tập để có tay nghề thuần thục. Đó là một tín hiệu đáng mừng, vì người dân địa phương đã xác định gắn bó với nghề, có ý thức lao động để phát triển kinh tế, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên, cho biết: Năm 2017, công ty sẽ khai thác khoảng 630ha cây cao su được trồng từ năm 2008 – 2009. Đây là diện tích cây cao su đạt tiêu chuẩn khai thác mủ theo đúng quy định. Hiện nay, diện tích cao su được khai thác còn hạn chế (630ha) nên số lượng người tham gia cạo mủ chỉ có khoảng 150 lao động; nhưng đến khi toàn bộ diện tích cao su trên địa bàn tỉnh đủ tiêu chuẩn khai thác thì công ty sẽ cần khoảng 1.500 lao động phục vụ cho hoạt động khai thác mủ.
Để chuẩn bị nhân công khai thác mủ trong thời gian tới, công ty đặc biệt chú trọng đến việc tập huấn kỹ thuật cho người dân địa phương để họ trở thành công nhân của công ty. Riêng trong 2 năm (2015 – 2016), công ty đã mở 7 lớp đào tạo nghề cho người lao động với 380 người tham gia; đầu năm 2017 mở 2 lớp tập huấn kỹ thuật khai thác mủ cao su cho 140 người và từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục đào tạo 2 lớp kỹ thuật khai thác mủ cao su nữa. Sau đào tạo, công nhân sẽ được cấp chứng chỉ và được nhận vào làm việc trong công ty, với mức lương trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng; được hỗ trợ đầy đủ các chế độ, cấp trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động. Hàng ngày, ngoài thời gian cạo, thu mủ cao su, công ty sẽ tạo điều kiện cho công nhân có thể tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế tại gia đình. Qua đó, tạo động lực để công nhân, người lao động thêm tin tưởng và quyết tâm cống hiến, gắn bó với công ty; góp phần thay đổi cuộc sống, nhờ có thu nhập ổn định.
CTV - Phạm Quang