Đề nghị đánh thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm của người giàu
Một cá nhân có tiền lãi gửi tiết kiệm hằng năm cao gấp 2 mức thu nhập chịu thuế quy định là khoản tiền lớn và cần phải chịu thuế thu nhập.
Đề nghị đánh thuế vào khoản tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm của Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico (Hà Nội) được đưa ra tại Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung một số Điều của 5 Luật thuế như Giá trị gia tăng (VAT), Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo lý giải của Luật sư Trương Thanh Đức, đối với người gửi tiết kiệm chỉ có vài chục triệu đồng hay thậm chí lên tỷ đồng vẫn không tính là nhiều. Tuy nhiên với những người gửi tiết kiệm lên mức hàng chục tỉ đồng thì đó nên gọi là tiền đầu tư và phải chịu thuế.
Ông Đức lý giải, theo quy định hiện hành, mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 108 triệu đồng/năm. Nếu một cá nhân có tiền lãi gửi tiết kiệm hằng năm lên hơn gấp 2 mức thu nhập chịu thuế quy định hiện nay thì đây là khoản tiền lớn và cần phải chịu thuế thu nhập.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico (Hà Nội). |
Theo vị luật sư từng nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, nếu một khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân cao hơn 200 triệu đồng thì cần phải xét vào diện chịu thuế. Hiện với mức lãi suất cho vay hiện khoảng 7%/năm, để có số tiền lãi 200 triệu đồng/năm, người cho vay tiền sẽ gửi ngân hàng khoảng 3 tỷ đồng trở lên.
"Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập bất thường, cần tính theo từng khoản thu nhập, không cộng dồn, tránh phức tạp, thu không được bao nhiêu", ông Đức nói và cho biết thêm, hiện có nhiều khoản thu nhập tính thuế riêng, không tính vào thu nhập chung như bán bất động sản, chứng khoán,... Nhưng thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên thì lại phải cộng dồn cả năm để tính thuế, quá phức tạp, không được bao nhiêu.
Vì vậy, theo ông Đức, cần quy định các khoản thu nhập bất thường, nhất là các khoản nhỏ lẻ, tính theo biểu thuế riêng để đỡ phức tạp, tránh tình trạng hiện nay phải theo dõi, tính toán, khấu trừ mỗi khoản từ 2 triệu đồng trở lên. Thậm chí các khoản 500.000 đồng không bị khấu trừ thuế tại nguồn, nhưng cũng vẫn phải cộng dồn để quyết toán thuế cuối năm.
"Trong khi các khoản thu nhập bất thường từ nhuận bút, nghiên cứu khoa học có thể phải chịu thuế 20 – 30% (do đã có các khoản thu nhập khác), thì thuế thu nhập đối với các khoản trúng thưởng hiện nay dù hàng trăm tỷ đồng cũng chỉ phải nộp 10% là quá bất công. Dự kiến sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập tính thuế từ trúng thưởng đến 5 tỷ đồng chỉ phải nộp thuế 10%, trên 5 – 10 tỷ đồng là 20% và trên 10 tỷ đồng là 20% cũng vẫn là quá bất hợp lý", Luật sư Đức nêu quan điểm.
Về đề xuất đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm, năm 2013 Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) ông Lê Hoàng Châu đã có đề xuất đánh thuế thu nhập vào khoản tiền lãi từ tài khoản tiết kiệm trên 500 triệu đồng của người dân. Đánh thuế thu nhập trên tiền lãi từ những khoảng gửi tiết kiệm để chuyển hướng dòng tiền vào kinh doanh, đầu tư ngăn chặn dòng tiền trú ngụ ở ngân hàng.
Tuy nhiên, ý kiến này đã bị dư luận phản đối, nhiều chuyên gia không tán thành bởi chưa đủ căn cứ và số tiền trên quá thấp.
Đề xuất của Luật sư Trương Thanh Đức lần này, số lãi tiền gửi căn cứ vào mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 108 triệu đồng/năm. Nếu số lãi của người gửi tiền gấp đôi mức thuế này mới chịu xem xét đánh thuế./.
Theo VOV