Chịu thuế VAT, doanh nghiệp phân bón nào sẽ hưởng lợi?
Việc miễn thuế VAT cho các doanh nghiệp có tác dụng ngược lại với mục tiêu ban đầu đưa ra, doanh nghiệp phải đóng thuế nhiều hơn, giá phân bón cao hơn...
Bộ Tài chính mới đây đã đưa ra hàng loạt phương án sửa đổi 5 Luật thuế bao gồm Thuế giá trị gia tăng VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên.
Dự báo CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất khi phân bón chịu thuế |
Liên quan đến thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đánh giá, thời gian thực hiện, Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành đã phát sinh nhiều vướng mắc về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (phân bón ; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; chuyển quyền sử dụng đất) gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý thuế.
Bộ Tài chính cho biết nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ đã đề xuất chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Thực tế, trước đó, nhóm doanh nghiệp phân bón đã nhiều lần kiến nghị việc muốn chịu thuế 0% thay vì miễn thuế như hiện nay, thậm chí đưa về mức thuế VAT 5% như trước kia vẫn áp dụng.
Trong khi, chính sách miễn thuế đưa ra với mục tiêu ban đầu là để giúp nông dân được tiếp cận với nguồn phân bón giá rẻ, chất lượng nhưng khi áp dụng vào thực tế, việc miễn thuế lại có tác dụng ngược: doanh nghiệp phải đóng thuế nhiều hơn, giá phân bón cao hơn và cả nông dân, doanh nghiệp đều không được lợi.
Cụ thể, 4/12/2014, Bộ Tài Chính đã ban hành Công văn số 17709/BTC-TCT, có hiệu lực từ 1/1/2015, trong đó, thay đổi quan trọng nhất là chuyển mặt hàng phân bón từ danh mục chịu thuế giá trị gia tăng 5% sang danh mục không chịu thuế.
Thuế giá trị gia tăng 0% và không đánh thuế giá trị gia tăng đều giúp doanh nghiệp có chi phí thuế đầu ra bằng 0, tuy nhiên nếu như thuộc khung thuế suất 0%, doanh nghiệp vẫn là đối tượng chịu thuế nên phải kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra và được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, thì khi chuyển sang thuộc đối tượng không chịu thuế, doanh nghiệp sẽ không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào mà phải hạch toán vào chi phí sản xuất.
Theo đó, quy định này chỉ có lợi đối với phân bón nhập khẩu hoặc những đơn vị sản xuất NPK chuyên dùng nguyên liệu là các loại phân đơn nhập khẩu do không chịu thuế giá trị gia tăng.
Ngược lại, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đều có tỷ trọng chi phí đầu vào chịu thuế giá trị gia tăng 10% chiếm hơn 50% giá vốn lại bị ảnh hưởng nặng bởi quy định này, do phần thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ mà phải tính vào chi phí sản xuất.
Dẫn chứng về điều này, báo cáo của CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dẫn chứng, trong năm 2016, chi phí giá khí của DPM khoảng 2.000 tỷ đồng (chưa thuế giá trị gia tăng) để sản xuất phân Ure. Như vậy thuế giá trị gia tăng đầu vào mà DPM phải chịu là 200 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng 10%).
Trường hợp được hoàn thuế VAT đầu vào, hạch toán chi phí 2.000 tỷ đồng, không được hoàn thuế VAT đầu vào doanh nghiệp sẽ hạch toán chi phí là 2.200 tỷ đồng.
“Như vậy, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 0% sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón”, VCBS cho biết.
Cũng theo VCBS, nếu chính sách này được thông qua, phần lớn các doanh nghiệp phân bón trong nước sẽ được hưởng lợi vì tiết giảm được chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa giảm giá bán để tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu (hiện tại, giá phân Ure Trung Quốc đang rẻ hơn phân bón nội địa khoảng 5-7%).
Trong đó, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã LAS) sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất, kế đến là nhóm sản xuất phân lân nung chảy như CTCP Nafoods Group (mã NAF), CTCP Phân bón Miền Nam (mã SFG) với nguyên liệu sản xuất chính là Apatit.
Nhóm Ure gồm Đạm Cà Mau (mã DCM) và Đạm Phú Mỹ (mã DPM) với nguyên liệu chính là khí tự nhiên cũng được hưởng lợi nhiều từ chính sách này.
“Tuy nhiên, nhóm sản xuất phân NPK như CTCP Phân bón Bình Điền (mã BFC) không được hưởng lợi nhiều do các nguyên liệu phân đơn đầu vào như Nito, Kali, phân lân đều là thành phẩm và không chịu thuế giá trị gia tăng đầu vào”, báo cáo của VCBS cho hay./.
Theo VOV