Ba kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2018

Thứ Ba, 05/09/2017, 09:13 [GMT+7]

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phác thảo 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2018, từ đó chuẩn bị cho việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm tới.

Xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế 2018

Cùng với việc đưa ra dự báo rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017 là “có khả năng đạt được” nếu nỗ lực phấn đấu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chính thức báo cáo Chính phủ 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm tới.
 

1
Khu vực doanh nghiệp tư nhân đang đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Trong ảnh: Siêu thị VinMart


Theo đó, ở phương án thấp, dự kiến GDP tăng trưởng 6,4%; phương án trung bình, mức tăng trưởng là 6,5%; còn phương án cao, mức tăng trưởng là 6,81%.

Ba kịch bản tăng trưởng này, theo ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dựa trên cơ sở ước thực hiện năm 2017, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2018, căn cứ mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng như dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, với tăng trưởng GDP dự kiến ở mức 6,4 - 6,8%.

Xây dựng 3 kịch bản như vậy, song với dự báo năm 2018 và các năm tiếp theo, ngành khai khoáng có thể tiếp tục giảm, ảnh hưởng tới tăng trưởng cả nước, trong khi mô hình kinh tế hiện nay chưa thể chuyển ngay từ chiều rộng sang chiều sâu trong thời gian ngắn…, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong các phương án nêu trên, phương án trung bình là phương án phù hợp nhất.

Đề xuất này cũng đã được nhiều thành viên Chính phủ đồng thuận, như vậy, nhiều khả năng, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 sẽ được xây dựng với mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5% - một mức tăng trưởng hợp lý.

Cùng với việc đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018 được xác định nhất quán là “bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng ổn định để phát triển kinh tế”. Đồng thời, chuyển dần sang hướng đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược để tạo động lực tăng trưởng mới, qua đó tác động trở lại, tạo sự ổn định kinh tế vĩ mô ở quy mô và trình độ cao hơn.

“Bên cạnh đó, cũng phải tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế trong các năm tiếp theo, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đề ra”, ông Phương nhấn mạnh.
 
Khó khăn, thách thức chực chờ

Dù những tín hiệu tích cực và lạc quan cho nền kinh tế trong năm 2018 là có, song cũng không thể phủ nhận rằng, khó khăn, thách thức đang chực chờ. Một trong những thách thức dễ nhìn thấy nhất là khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Nếu không đạt mục tiêu này thì sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm tới.

Bởi vậy, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đi nhắc lại rằng, tất cả các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty tiếp tục rà lại từng chỉ tiêu, phấn đấu quyết liệt, không chủ quan. “Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, trong đó có du lịch, mà sơ suất 1 tháng không đạt thì khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khó khăn, thách thức của năm 2018, ngoài các yếu tố khách quan, còn là các vấn đề liên quan đến điểm yếu nội tại của nền kinh tế, từ mô hình kinh tế chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, trình độ công nghệ thấp; đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, trong khi hiệu quả sử dụng chưa tăng đáng kể; doanh nghiệp trong nước vẫn hạn chế cả về quy mô, năng lực điều hành, dẫn tới hạn chế về khả năng cạnh tranh…

Chưa kể, những khó khăn mới cũng có thể xuất hiện, khi những động lực tăng trưởng dựa vào khai thác dầu khí, than, đóng góp của Samsung, Formosa, kiều hối... đều đã được tận dụng và khó có khả năng có mức tăng bứt phá… Điều này, kết hợp với dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn còn hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển vẫn còn khó khăn… sẽ tác động đáng kể tới tăng trưởng kinh tế năm 2018.

“Tăng trưởng của nền kinh tế dựa nhiều vào sự phát triển của khu vực doanh nghiệp, nhưng khu vực tư nhân vẫn còn rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, hiện chỉ có 1/3 số doanh nghiệp tư nhân làm ăn có lãi. Nếu năm tới điều chỉnh tăng lương, tăng một loạt chi phí nữa thì sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của khu vực này, số doanh nghiệp có lãi sẽ giảm và như vậy thì sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) quan ngại.

Bởi thế, theo ông Cung, cần xem xét lại việc tăng các loại chi phí như công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... của doanh nghiệp. “Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng vào thời điểm này cũng đang làm ‘xao xuyến’ xã hội”, ông Cung nói và đề xuất rằng, cũng cần phải xem xét lại hiệu quả kinh tế của các “quả đấm thép” của nền kinh tế.

“Phải xem xét lại hiệu quả kinh doanh của ít nhất 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong việc giao kế hoạch năm tới cho các đơn vị này, không nên giao theo hướng khai thác bao nhiêu tấn dầu, tấn than, mà phải là tăng lợi nhuận bao nhiêu, tỷ suất lợi nhuận thế nào..., tức là giao chỉ tiêu mang tính chất lượng nhiều hơn. Làm được như vậy, thì tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn”, ông Cung nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi báo cáo Chính phủ cũng đã đề cập việc tăng thuế giá trị gia tăng trong thời gian tới cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, trong đó có đánh giá tác động đối với thu ngân sách nhà nước cũng như tác động đến tiêu dùng toàn dân, nhất là những người có thu nhập thấp, mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đến lao động và việc làm…

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, nỗi lo tăng chi phí đầu vào vẫn đang đè nặng doanh nghiệp trong năm 2018./.

 

Theo VOV

.