Áp dụng hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp vẫn còn nhiều băn khoăn
Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại việc mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử cũng như lộ trình thực hiện từ đầu năm 2018.
Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ, dự kiến trình lên Chính phủ trong tháng 10/2017 và đưa vào áp dụng từ ngày 1/1/2018.
Dự thảo Nghị định sửa đổi có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng như mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp và đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; hạn chế các đối tượng đặt in, tự in hóa đơn… Những điểm mới của Dự thảo Nghị định sửa đổi dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có mô hình kinh doanh đặc thù.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần xem xét lại việc mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử cũng như lộ trình thực hiện. Bà Đặng Thị Bình An, đại diện Công ty tư vấn thuế C&A cho rằng, để mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử như Dự thảo Nghị định sửa đổi đề ra, cần phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đủ mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng nên lùi thời điểm áp dụng hóa đơn điện tử. (Ảnh minh họa: KT) |
Cũng theo bà An, việc áp dụng hóa đơn điện tử đại trà cho hầu hết doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, mọi quy mô là chưa khả thi vì trên thực tế vẫn còn rất nhiều giao dịch mà khách hàng yêu cầu phải có hóa đơn giấy.
“Khi áp dụng hóa đơn điện tử, vấn đề cơ sở hạ tầng về công nghệ là một vấn đề quan trọng. Các doanh nghiệp khi áp dụng cơ sở này hiện đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chi phí để tạo lập nên hóa đơn này cần được đánh giá. Về lộ trình thực hiện nên để đến năm 2019 và nên có chương trình chạy thử hóa đơn vì doanh nghiệp phải phụ thuộc vào khách hàng”, bà An đề xuất.
Trước những vần đề mà doanh nghiệp đặt ra, ông Nguyễn Duy Linh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Công nghệ thông tin, Tổng Cục Thuế cho biết, để chuẩn bị cho việc áp dụng hóa đơn điện tử một cách rộng rãi, Tổng Cục Thuế và các cơ quan liên quan đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo sự thông suốt cho các hoạt động truyền dẫn dữ liệu từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý.
Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ được tận dụng từ chính hệ thống công nghệ dùng để kê khai và nộp thuế điện tử mà các doanh nghiệp đang sử dụng. Vì vậy, doanh nghiệp không cần quá lo lắng về mặt công nghệ khi áp dụng hóa đơn điện tử.
Hơn nữa, theo ông Linh, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 3,5 tỉ hóa đơn, nếu ngành thuế có được dữ liệu này sẽ hoàn toàn có thể phân tích được dữ liệu, từ đó phát hiện hóa đơn hoặc doanh nghiệp nào có vấn đề, như vậy sẽ giúp lành mạnh, bình đẳng về kinh doanh giữa các doanh nghiệp.
“Ngành thuế sẽ tiếp tục bám chặt các doanh nghiệp, mỗi khi có 1 hóa đơn xuất ra hay có vấn đề biến động sẽ thông báo được cho doanh nghiệp. Về hạ tầng công nghệ, hiện nay ngành thuế đang cố gắng mở những đơn vị lớn nhất, mạnh nhất cùng trang thiết bị tốt nhất để đưa ra những cổng thông tin giúp những đơn vị bên ngoài và các doanh nghiệp có thể vào tra cứu khi nhận được hóa đơn”, ông Linh cho hay.
Nhận định việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí về in ấn, vận chuyển hóa đơn, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng thuế giá trị gia tăng, Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) cho rằng, việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp việc lưu trữ thông tin hóa đơn, cơ quan thuế cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xác thực các hóa đơn đầu vào, tra cứu thông tin của các doanh nghiệp đối tác từ đó hạn chế các rủi ro về mặt pháp lý của hóa đơn.
Theo Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, những ý kiến, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp sẽ được ghi nhận, nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp phù hợp nhất, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ nhưng vẫn tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để các doanh nghiệp phát triển./.
Theo VOV