Xuất khẩu rác - tại sao không?
Việt Nam đang phải thu gom, vâ%3ḅn chuyển và xử lý chất thải rắn, trong khi nhiều quốc gia đang cần nhập khẩu rác.
Mỗi năm, TP Hà Nội và TP HCM dành khoảng 1.200 – 1.500 tỷ đồng cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, trong khi nhiều quốc gia đang cần nhập khẩu rác, vậy tại sao Việt Nam không xuất khẩu?
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, các nước có nhu cầu nhập khẩu rác nhưng đó là rác công nghiệp, nó đã được phân tách rồi và có thể tái chế hoặc đốt.
Còn rác tại Việt Nam chủ yếu là rác sinh hoạt hữu cơ, rác thải tái chế đã được lọc từ bộ phận nhặt rác ve chai. Đúng là Hà Nội lượng rác thải rất lớn, mỗi năm chi tiêu hàng nghìn tỷ chôn lấp rác thải nhưng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm như chôn lấp.
TS. Phong cho biết, rác nước ta là rác hữu cơ, không phân loại nên không thể xuất khẩu. |
Do đó đòi hỏi phải có quy hoạch và dự án với thông số công nghệ cần thiết để kêu gọi đầu tư, và cần phải phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ họ cả đầu vào lẫn đầu ra .
TS. Phong nhận định, thế giới ngày nay đang có xu hướng đổi màu từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh. Nói cách khác thế giới đang đẩy các chiến lược cũng như quan điểm phát triển kinh tế xanh. Trong đó đặc biệt sử dụng các công nghệ giảm rác thải cũng như phát triển công nghiệp chế biến xử lý về môi trường.
Việc 8 trong số 100 tỷ phú Mỹ hoạt động trong lĩnh vực về môi trường cho thấy đây là một thị trường tiềm năng, nước Mỹ có thể nói là nước đi đầu trong các vấn đề liên quan tới công nghiệp chế biến tái chế và xử lý rác thải, nhất là rác thải công nghiệp, đồng thời cho thấy việc chế biến rác thải là có tiềm năng, có triển vọng.
Phân tích về cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực xử lý rác, TS. Phong nói: "Chúng ta đã có chiến lược phát triển xanh, phát triển bền vững và có chỉ tiêu đưa vào các mục tiêu phát triển.
Hơn nữa, chúng ta cũng có những quỹ về tăng trưởng xanh, đặc biệt là ngành tái chế cũng như là xử lý về môi trường đang là một trong những ngành phát triển mạnh với sự tham gia của nhiều đơn vị trong nước và ngoài nước.
Tuy nhiên về tổng thể, cơ bản đây là ngành mới ngay cả có những tiêu chí rồi cơ chế cho ngành này cũng chưa thật hiệu quả. Và nguồn rác thải để cho doanh nghiệp này tồn tại lâu dài đảm bảo hoàn vốn nhiều nơi cũng chưa đáp ứng được.
Tôi cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp môi trường trong đó đặc biệt chế biến rác thải và các ngành xử lý môi trường cần phải có sự thay đổi về mặt nhận thức. Coi đây là một lĩnh vực ưu tiên, là lĩnh vực đầu tư đặc biệt phải có chính sách hỗ trợ phát triển.
Thứ 2 là phương án quy hoạch phát triển trong địa bàn địa phương, vào những dự án cụ thể kêu gọi đầu tư nhất là đầu tư nước ngoài.
Thứ 3 là chuẩn bị, thiết kế chính sách hỗ trợ bao gồm mặt bằng, thuế và các chi phí khác để giảm thiếu chi phí cho doanh nghiệp./.
Theo VOV