Tín dụng tăng trưởng mạnh nhất trong 8 năm qua

Thứ Sáu, 11/08/2017, 07:37 [GMT+7]

Tính đến cuối tháng 6/2017, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 9%, ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.
 
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6 vừa qua, tín dụng của nền kinh tế đã tăng hơn 9%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Theo các chuyên gia kinh tế, sự tăng trưởng “nóng” của tín dụng có thể gây nên những rủi ro cho hệ thống tài chính.
 

1
(Ảnh minh họa: KT)


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm giữa tháng 6 năm nay, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng gần 6%, tăng trưởng tín dụng đã đạt trên 7%. Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 30/6 vừa qua, tín dụng với nền kinh tế đã tăng trên 9%, đây là mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.

Thống kê 6 tháng qua của 12 ngân hàng cho thấy, 11 ngân hàng báo lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ với tổng lợi nhuận trước thuế đạt trên 25.700 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ năm ngoái…. Lợi nhuận ngân hàng khởi sắc với tỷ lệ thu nhập lãi cao, khoảng 75% trở lên.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng tín dụng quá nhanh có thể gây ra những rủi ro mới cho hệ thống ngân hàng. Trong 2 năm qua, tỷ lệ tín dụng/GDP tăng thêm gần 24%. Nếu tăng trưởng tín dụng trong năm nay đạt mục tiêu thì tỷ lệ này sẽ còn nới rộng hơn nữa và mức độ rủi ro về tài chính sẽ cao hơn.

Chuyên gia tài chính-ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, việc tín dụng tăng nhanh trong 6 tháng năm 2017 thể hiện cả mặt tích cực và tiêu cực, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế. Tuy nhiên, con số này cũng đặt ra lo ngại về việc tăng trưởng tín dụng cuối năm có thể vượt mức 18% đã đề ra, vì những tháng cuối năm nhu cầu vốn của nền kinh tế rất lớn.

Ông Cấn Văn Lực phân tích: Mặt tích cực là tín dụng tăng trưởng đều ngay từ những tháng đầu năm, như vậy khả năng hấp thụ của nền kinh tế là khá tốt. Điều này cũng góp phần để thúc đẩy cho tăng trưởng quý 2 của Việt Nam.

Theo chuyên gia này, dòng tín dụng đã được nắn chỉnh vào những lĩnh vực ưu tiên hơn, lĩnh vực ít ruỉ ro hơn. Tuy nhiên, ông Lực vẫn băn khoăn liệu cuối năm có thể sẽ vượt định hướng của Ngân hàng Nhà nước vì hiện nay có nhiều ngân hàng đã dùng hết hạn mức của mình tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Sự tăng trưởng tín dụng cao kéo dài có thể làm dấy lên quan ngại về chất lượng tài sản, nhất là trong điều kiện nợ xấu trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên kiềm chế tăng trưởng tín dụng, cần giảm phụ thuộc vào ngành ngân hàng thay vào đó là thúc đẩy thị trường vốn. Tại thời điểm này không nên kích cầu quá nhiều khi đầu tư của kinh tế trong nước vẫn tốt.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính bày tỏ quan điểm: 9% là con số tương đối cao, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng có nhiều kiểu, có thể xảy ra ở nhiều nơi, cho nên phải làm rõ cơ cấu tín dụng của nền kinh tế, bao nhiêu chuyển vào khu vực sản xuất, bao nhiêu chảy vào các thị trường khác. Bên cạnh đó, phải xác định trong tăng trưởng tín dụng đó có bao nhiêu phần trăm của ngân hàng đảo nợ.

Để tăng trưởng tín dụng đạt kỳ vọng cần đưa dòng vốn đến đúng địa chỉ, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tài chính thực hiện các giải pháp kiểm soát rủi ro, tăng cường giám sát dòng vốn ra thị trường; Các Ngân hàng thương mại tăng cường xử lý nợ xấu, đảm bảo chất lượng và cơ cấu tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước./.

 

Theo VOV

.