Thương hiệu gạo Việt phải được định vị từ chất lượng lúa giống

Thứ Năm, 17/08/2017, 15:40 [GMT+7]

Chất lượng lúa giống không đảm bảo sẽ dẫn tới chất lượng gạo thấp, không khẳng định được hạt gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

ĐBSCL được xem là vựa lúa của cả nước, hàng năm lượng gạo xuất khẩu chiếm đến 90%. Hiện nay, nhu cầu giống lúa chất lượng cao vẫn đang là dấu hỏi lớn khi mỗi năm ngành hàng thế mạnh cần từ 400.000 – 500.000 tấn lúa giống. Tuy nhiên, hiện tại Trung tâm giống các tỉnh và Viện lúa ĐBSCL chỉ đáp ứng khoảng 50%, số còn lại người dân tự dùng lúa đang sản xuất để làm giống hoặc trao đổi với nhau nên chất lượng không đảm bảo.

Thời gian qua, Viện lúa ĐBSCL đã xây dựng được 11 quy trình kỹ thuật được công nhận cấp Quốc gia về kỹ thuật canh tác lúa; canh tác cây trồng cạn luân canh lúa và quy trình phòng trừ sâu bệnh…Ngoài ra, các giải pháp kỹ thuật do Viện lúa cùng với các tỉnh đưa ra đã được nông dân áp dụng và mang lại hiệu quả cao.

Riêng quy trình “3 giảm 3 tăng” chiếm khoảng 35% diện tích toàn vùng, tương đương 1,2 triệu/ha, hiệu quả mang lại trên 1 triệu đồng/ha, tiết kiệm giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hàng năm cho vùng ĐBSCL hơn 1.300 tỷ.
 

1
Gạo  ST 24  Sóc Trăng và gạo Bông Sen Vàng là những giống lúa góp phần nâng cao thương hiệu gạo Việt Nam.


Theo TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, vấn đề mà Viện đang gặp khó là quá trình chuyển giao giống cho các đơn vị, bởi khi chuyển giao giống cho các công ty sẽ khó thu hồi được vốn, trong khi nhiều đơn vị vi phạm chưa bị xử lý.

Hiện có rất nhiều công ty bán giống nhưng không có vùng sản xuất nguyên liệu, không có nguồn giống đầu vào; ngoài ra công tác kiểm định còn lỏng lẻo dẫn tới chất lượng không giống không được đảm bảo. Đây là thực trạng đang diễn ra phổ biến ở ĐBSCL.

“Chính vì thiếu giống xác nhận nên một số địa phương vẫn đề nghị hỗ trợ tiếp cho hệ thống nông hộ, trong khi hệ thống nông hộ thời gian qua phát triển rất tốt, rất đúng. Dư thừa giống xác nhận đã phát sinh việc người dân, doanh nghiệp mua đi bán lại dẫn tới hệ thống cung cấp giống chính quy không phát triển được”, TS. Thạch nêu vấn đề.

Chất lượng đầu vào không đảm bảo sẽ dẫn tới chất lượng gạo thấp, không khẳng định được hạt gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Đây là vấn đề mà toàn vùng ĐBSCL đang gặp phải giữa hệ thống giống chính quy và không chính quy.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, thành phố hiện có 60 cơ sở được cấp mã số kinh doanh lúa giống,  đáp ứng tương đối được nhu cầu của thị trường. Để khẳng định thế mạnh của ngành hàng lúa gạo, ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện lúa ĐBSCL xây dựng vùng lúa chất lượng cao, từ đó sẽ khẳng định được uy tín cho sản phẩm lúa gạo Cần Thơ.

“Viện lúa ĐBSCL phối hợp với Sở Nông nghiệp trong việc tuyển chọn giống lúa có phẩm chất gạo tốt, phù hợp với điều kiện canh tác của thành phố để phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu. Viện cũng phối hợp cùng các Hợp tác xã để sản xuất lúa giống để cung cấp trên địa bàn và các tỉnh lân cận, nghiên cứu các biện pháp phòng trừ sinh học nhất là dịch muỗi hành hoặc các loại sâu rầy khó trị”, ông Hè cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thực Hiện, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ cho rằng, huyện đang sử dụng 2 giống chủ lực của Viện lúa là OM4218 và OM5451. Đây là giống chất lượng cao đáp ứng nhu xuất khẩu, hiện diện tích cánh đồng lớn 3 vụ là 33.000 ha, doanh nghiệp bao tiêu cũng nâng ý thức của bà con nên phải sử dụng  giống lúa xác nhận, không sử dụng lúa ngang để làm giống vì không đem lại hiệu quả.

Huyện có 11 Hợp tác xã, trong đó có 8 Hợp tác xã sản xuất lúa giống, nhu cầu lúa giống không chỉ để nâng cao chất lượng lúa hàng hóa mà còn để ổn định thu nhập cho nông dân.

“Tới đây trên diện tích 25.700 ha sẽ xuống giống, đa số sẽ là giống Jasmine, phần diện tích còn lại còn lại phải sản xuất lúa giống cho vụ Hè Thu và Thu Đông là OM5451 và OM4218. Huyện cố gắng cùng với Viện lúa giúp cho bà con nông dân sử dụng giống xác nhận để sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm trong quá trình bao tiêu đối với doanh nghiệp”, ông Hiện nêu rõ.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến ĐBSCL, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo sẽ là việc làm cấp bách đối với ngành nông nghiệp các địa phương trong vùng và với Viện lúa ĐBSCL trong thời gian tới.

Do vậy, việc nghiên cứu, chọn tạo ra những loại giống phù hợp, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu xuất khẩu, khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới là vấn đề cấp thiết đang đặt ra cho ngành nông nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL./.

 

Theo VOV

.