Thoái vốn, cổ phần hóa tại PVN còn nhiều khó khăn

Thứ Hai, 21/08/2017, 09:16 [GMT+7]

Vốn và tài sản lớn là một trong những nguyên nhân khiến công tác cổ phần hóa, thoái vốn và sắp xếp doanh nghiệp tại PVN còn gặp khó khăn.

Dù đã có những kết quả nhất định trong công tác thoái vốn, cổ phần hóa, song vốn và tài sản lớn là một trong những nguyên nhân khiến công tác cổ phần hóa, thoái vốn và sắp xếp doanh nghiệp tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đến nay vẫn còn gặp khó khăn.

Vướng quy định...

Theo thông tin từ PVN, sau khi Bộ Công Thương ban hành các Quyết định xác định giá trị Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) trực thuộc PVN để cổ phần hóa, PVN đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch cổ phần hóa các đơn vị thành viên.

“Hiện tại, phương án cổ phần hóa của PV Oil, BSR đang được Bộ Công Thương thẩm định trình Thủ tướng xem xét và phê duyệt”, đại diện PVN cho biết.
 

1
Phương án cổ phần hóa của PV Oil đang được Bộ Công Thương thẩm định trình Thủ tướng xem xét và phê duyệt. (Ảnh minh họa: KT)


Mặc dù vậy, đại diện của PVN cũng nhận định công tác cổ phần hóa các đơn vị thành viên hiện còn có nhiều khó khăn. Đơn cử như quy định tại Điều 25 Nghị định 59/2011/NĐ-CP, kết quả công bố giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước là cơ sở để xác định quy mô vốn điều lệ, cơ cấu phát hành lần đầu và giá khởi điểm để thực hiện bán cổ phần lần đầu, đồng thời không có quy định về việc điều chỉnh lại giá trị sổ sách theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Nhưng trong thực tế, việc doanh nghiệp phải điều chỉnh lại sổ sách theo kết quả xác định lại giá trị doanh nghiệp, ngay khi có công bố giá trị doanh nghiệp sẽ tạo ra sức ép lớn, do phải trích khấu hao ngay phần giá trị tài sản tăng thêm do đánh giá lại dẫn tới chi phí tăng, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.

Trong khi toàn bộ khối tài sản này doanh nghiệp vẫn đang sử dụng bình thường như trước khi xác định giá trị doanh nghiệp. “Như trường hợp của BSR, việc điều chỉnh số liệu và trích khấu hao theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa sẽ làm lợi nhuận sau thuế hàng năm của BSR giảm, trung bình khoảng 350 tỷ đồng”, phía PVN dẫn chứng.

Đối với công tác thoái vốn, trong 6 tháng đầu năm 2017, PVN đã thoái vốn thành công toàn bộ vốn góp tại Công ty CP Bất động sản dầu khí-SSG (PV SSG) với giá trị thu về 24,192 tỷ đồng, (giá trị đầu tư là 24 tỷ đồng) thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Có thể thấy, công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại tập đoàn này vẫn còn khá nhiều vấn đề chưa được xử lý. Điển hình phải kể đến 5 dự án thua lỗ thuộc PVN đã từng bị Phó Thủ tướng Chính phủ - ông Vương Đình Huệ phê bình do trì trệ trong quá trình xử lý.

Tại cuộc họp do Bộ Công Thương tổ chức bàn giải pháp xử lý 5 dự án kém hiệu quả của PVN diễn ra hồi đầu tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc PVN thừa nhận, Tập đoàn đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm đã nghiêm túc triển khai nhưng do nhiều nguyên nhân nên chưa được triển khai hiệu quả.

Theo ông Sơn, những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các dự án thua lỗ thuộc Tập đoàn là việc quyết toán hợp đồng EPC của các dự án, nhưng mỗi dự án lại có đặc thù riêng; việc quyết toán liên quan đến đối tác nước ngoài cũng như bên ngoài PVN…

Xử lý tồn tại để cổ phần hóa đúng tiến độ

Ngày 5/8 vừa qua, tại buổi làm việc với PVN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ yêu cầu PVN cần đặc biệt đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, quản lý. Đồng thời có phương hướng tập trung một số việc quan trọng, nhất là xây dựng đội ngũ, khắc phục tồn tại, bất cập vừa qua để thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho một tập đoàn chủ lực.
 

1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Tập đoàn
Dầu khí Quốc gia Việt Nam.


Đại diện PVN cho biết, để thực hiện yêu cầu này, Tập đoàn đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm khắc phục những tồn tại trong giai đoạn 2012-2015 và tiếp tục tái cơ cấu để phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới.

Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, PVN tập trung thực hiện hiện cổ phần hóa PV Power, BSR, PVOil theo quyết định và tiến độ đã được phê duyệt. PVN cũng đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để Thủ tướng sớm phê duyệt phương án xử lý tồn tại của Nhà máy Đóng tàu Dung Quất (DQS) làm cơ sở xây dựng phương án CPH, đa dạng hóa sở hữu DQS trong giai đoạn 2016-2020.

Trong giai đoạn này, PVN xác định Công ty mẹ PVN tiếp tục thực hiện thoái vốn đối với các khoản đầu tư chưa hoàn thành trong giai đoạn 2012-2015; phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2016-2020 và triển khai thực hiện.

Đặc biệt đối với 5 dự án kém hiệu quả, hiện PVN đã có báo cáo Ban chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương chấp thuận khởi động lại Nhà máy sản xuất sơ xợi Đình Vũ theo phương án hợp tác với đối tác nước ngoài để cùng sản xuất kinh doanh. Nếu phương án này không triển khai được, cho phép PVN thực hiện theo phương án định giá để bán hoặc cho phá sản theo quy định.

Đối với Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, PVN đã chỉ đạo các đơn vị tính toán phương án khởi động vận hành sản xuất tối ưu để có thể sản xuất ra sản phẩm ngay từ đầu năm 2018./.

Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có văn bản phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2017- 2020. Theo đó, Công ty mẹ (PVN) tiếp tục là Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam và Trường Cao đẳng nghề dầu khí.

Ngoài ra, giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ vốn của PVN tại các công ty con, liên kết, liên doanh gồm Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam; Liên doanh dầu khí Việt- Nga Vietsovpetro; Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí; Công ty TNHH Liên doanh Rusvietpetro; Công ty TNHH Liên doanh Gazpromviet; Công ty TNHH Lọc hoá dầu Long Sơn; Công ty TNHN Tân Cảng- Petro Cam Ranh; Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn.

Lãnh đạo Chính phủ cũng phê duyệt danh mục doanh nghiệp mà Tập đoàn dầu khí thoái toàn bộ vốn theo từng giai đoạn từ nay tới năm 2019. Riêng Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi tổng hợp dầu khí PV Tex và Công ty TNHH 1 thành viên Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất thực hiện sắp xếp theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2017- 2020./.

 

Theo VOV
 

.