Doanh nghiệp đang phải trả rất nhiều chi phí bất hợp lý
Bên cạnh các chi phí chính thức có nhiều điểm bất hợp lý, các doanh nghiệp còn phải chịu các khoản chi phí không chính thức phát sinh.
“Doanh nghiệp Việt Nam hiện phải chịu nhiều chi phí cao so với các nước trong khu vực, ví dụ như chi phí vay vốn từ 7% - 9%/năm, trong khi các nước chỉ 2 - 4%/năm, chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn cao, chiếm 32,5 %, trong khi các nước là 12% - 17%”
Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo “Cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp: Thực trạng và giải pháp” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 24/8 nhằm lấy ý kiến để hoàn thiện Báo cáo thực trạng - đề xuất các giải pháp nhằm giải chi phí cho doanh nghiệp.
Các tham luận tại hội thảo nêu rõ, bên cạnh các chi phí chính thức có nhiều điểm bất hợp lý, các doanh nghiệp còn phải chịu các khoản chi phí không chính thức rất lớn phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh, thậm chí trong cả quá trình thực thi quy định pháp luật.
Doanh nghiệp vẫn đang phỉ chịu nhiều chi phí chính thức và không chính thức. (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, việc đánh giá chi phí chính thức dưới dạng các con số trực quan như thuế, phí, lệ phí… chỉ là một phần. Chi phí thời gian và cơ hội là những chi phí chính thức khó hình dung, lớn hơn nhiều so với các con số chi phí trên giấy tờ.
Ông Hiếu dẫn chứng, nếu thực hiện thủ tục hành chính mất 10 ngày và mỗi doanh nghiệp mất 1 người đi thực hiện thủ tục đó, khi nhân ra tiền khoảng 200.000 đồng/người/ngày, vậy chi phí cho khoảng 500.000 doanh nghiệp cho 1 thủ tục hành chính lên đến hàng trăm tỉ đồng. Việc mất quá nhiều các loại chi phí khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hoat động kém hiệu quả.
Đề xuất các giải pháp nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; đồng thời, nâng cao chất lượng hệ thống thể chế, pháp luật kinh doanh nhằm đảm bảo các yếu tố như: tính đồng bộ, tính nhất quán, tính minh bạch, tính ổn định, tính cần thiết, tính hợp lý và tính hiệu quả.
“Nên có 1 cơ quan độc lập, khách quan rà soát và phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát cắt bỏ các thủ tục không cần thiết. Hiện nay chúng ta đang tự giao cho các Bộ rà soát, không có chỉ tiêu rõ ràng, không có 1 cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và có thẩm quyền quyết định rà soát nên cách làm đó đang tỏ ra không phù hợp”, ông Hiếu nêu rõ.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần thiết lập cơ chế, bộ máy độc lập về kiểm soát chất lượng thể chế kinh doanh và giám sát trách nhiệm thi hành pháp luật của các bộ, ngành và địa phương; đồng thời, tạo kênh tiếp nhận và xử lý hiệu quả thông tin phản ánh của doanh nghiệp trong quá trình thực thi tuân thủ pháp luật.
Bên cạnh đó, cần đổi mới thực chất bộ máy hành chính thực thi pháp luật kinh doanh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tiếp tục cải cách cơ chế điều phối, phối hợp liên cấp, liên ngành…/.
Theo VOV