Cổ phần hóa tại Điện Quang: Tài sản Nhà nước có bị thất thoát?
Cần làm rõ nguồn gốc khối tài sản lớn của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa xem có hay không tài sản Nhà nước bị thất thoát.
Theo các chuyên gia, bên cạnh những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những vi phạm về trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa, cần làm rõ nguồn gốc khối tài sản lớn của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa ở Công ty CP Bóng đèn Điện Quang và Công ty CP Nhựa Rạng Đông cũng như việc có hay không tài sản Nhà nước bị thất thoát?
Hai quyết định lạ của nguyên Thứ trưởng Bùi Xuân Khu
Theo tìm hiểu của PV, một điểm khiến dư luận khá quan tâm và hiện cũng chưa được làm rõ trước và sau cổ phần hóa Điện Quang chính là thay đổi số liệu về giá trị sổ sách và vốn điều lệ của Bóng đèn Điện Quang. Thay đổi này thể hiện trong 2 văn bản được ký cách nhau gần 3 tháng (Thứ trưởng Bộ Công nghiệp khi đó là ông Bùi Xuân Khu ký).
Cụ thể, theo Quyết định số 127 ngày 11/10/2004 phê duyệt Phương án cổ phần hoá Cty Bóng đèn Điện Quang, vốn điều lệ của Cty được xác định là 23,5 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ phần của Nhà nước là 51% và tỷ lệ cổ phần bán cho người lao động trong công ty là 49%. Trị giá một cổ phần bán ra là 100.000 đồng.
Quyết định này cũng nêu rõ giá trị thực tế của Công ty Bóng đèn Điện Quang tại thời điểm 31/12/2003 để cổ phần hoá (Quyết định số 2911/QĐ-TCKT ngày 3/11/2004 của Bộ Công nghiệp) là hơn 245,3 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại Công ty là hơn 15,9 tỷ đồng. Tổng số cổ phần bán ưu đãi cho 1.138 lao động trong Công ty là 155.150 cổ phần với giá trị được ưu đãi là 3.454.500.000 đồng.
Tuy nhiên, gần 3 tháng sau khi ban hành Quyết định số 127, ngày 12/1/2005, ông Bùi Xuân Khu ký tiếp Quyết định số 03/2005/QĐ-BCN sửa đổi khoản 1, khoản 3 Điều 1 Quyết định số 127 ngày 10/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc chuyển đổi Cty Bóng đèn Điện Quang thành Cty cổ phần.
Theo quyết định sửa đổi này, vốn điều lệ của Điện Quang vẫn là 23,5 tỷ đồng nhưng cơ cấu vốn điều lệ có sự thay đổi. Tỷ lệ cổ phần của Nhà nước vẫn là 51% nhưng tỷ lệ cổ phần bán cho người lao động trong Công ty là có sự thay đổi (từ 49% giảm xuống còn 38,9%). Quyết định này cũng bổ sung tỷ lệ cổ phần bán ra ngoài công ty là 10,04%.
Đáng chú ý, tổng số cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ trong Công ty cũng có sự thay đổi khá lớn. Số lao động trong Công ty được mua cổ phần ưu đãi cũng có sự thay đổi từ 1.138 lao động (như trong Quyết định số 127) giảm xuống còn 559 lao động. Với mức điều chỉnh này, số cổ phần bán cho người lao động từ 155.150 cổ phần với giá trị được ưu đãi là hơn 3,45 tỷ đồng cũng giảm xuống còn 36.298 cổ phần với giá trị chỉ còn hơn 1,08 tỷ đồng.
Về những thay đổi bất thường trong sự chênh lệch số lao động được mua cổ phần và số lượng cổ phần ưu đãi thông qua 2 quyết định trên, một chuyên gia tài chính đề nghị giấu tên khẳng định, cần làm rõ việc vì sao giá trị sổ sách của Điện Quang tại thời điểm 31/12/2003 để tiến hành cổ phần là 245 tỷ đồng nhưng theo Quyết định 127 thì vốn điều lệ đăng ký chỉ còn 23,5 tỷ đồng. Đây là mức giá thấp bất ngờ, chỉ bằng 1/10 so với giá trị sổ sách của Công ty nếu tính đến thời điểm 31/12/2003.
“Dấu hỏi đặt ra ở đây tại sao, chỉ sau hơn 10 tháng, vốn điều lệ đăng ký lại quá thấp như vậy nếu so với giá trị sổ sách thực tế của Công ty? Việc định giá trị của nó quá thấp như vậy, công luận có quyền đặt nghi vấn về việc đặt vốn điều lệ thấp để nhà đầu tư chỉ cần bỏ số tiền ít hơn là có thể thâu tóm được một doanh nghiệp có số tài sản thực cao gấp 10 lần”, vị này phân tích.
Tài sản Nhà nước bị thất thoát, có thu hồi?
Trong các cuộc trao đổi với PV về Công ty Bóng đèn Điện Quang và việc Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa vi phạm trình tự, thủ tục thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, đây là những việc cần làm rõ ở nhiều góc độ. Góc độ thứ nhất là khởi nguồn từ khi bà Thoa làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Tài sản khi đó của bà Thoa thế nào. Góc độ thứ hai là sau khi giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương, tài sản của các thành viên trong gia đình bà Thoa ra sao và biến động ra sao.
Theo ông Hải, những đường đi lắt léo, lòng vòng trong việc mua và thâu tóm cổ phần của những thành viên của gia đình Thứ trưởng Kim Thoa cũng phần nào cho thấy miếng bánh cổ phần hóa rất hấp dẫn. Vì thế mà hết con, rồi đến em trai của bà Thoa liên tiếp thực hiện những phi vụ thâu tóm cổ phần với số lượng lớn tại những thời điểm phát triển quan trọng của Điện Quang.
Để rồi sau đó ung dung bước vào tiếp quản vị trí lãnh đạo Công ty sau khi bà Thoa được điều động về làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Đến nay, Nhà nước mất gì, gia đình bà Thoa được gì sau cổ phần hóa Điện Quang vẫn chưa được mổ xẻ, phân tích cặn kẽ để làm bài học cho các cuộc cổ phần hóa khác.
“Cần xét cả những thời điểm Điện Quang gặp khó khăn và những thời điểm bà Thoa gia tăng tài sản, gia tăng nắm giữ cổ phần của bà Thoa và những người thân như thế nào. Cũng có thể xem sau những đợt công bố thông tin xấu thì tỷ lệ nắm giữ của bà Thoa và các thành viên gia đình bà có tăng lên không. Bên cạnh đó, cần xem lại cả quá trình hình thành tài sản của bà Thoa và gia đình để từ đó thâu tóm Điện Quang”, ông Hải nêu ý kiến.
Trả lời câu hỏi của PV, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính khá uy tín, trong đó có PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, cần làm rõ khối tài sản khổng lồ của bà Thoa có nguồn gốc từ đâu? Trong trường hợp tài sản hình thành không hợp pháp thì có bị thu hồi?
Một chuyên gia từng nhiều năm công tác trong ngành tài chính (đề nghị không nêu tên) cho rằng, trong thực tế nhìn lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, lỗ hổng lớn nhất cho tiêu cực và tham nhũng chính là giao cho những người trong cuộc hay đối tượng liên quan bán tài sản do chính họ quản lý, đồng thời cũng cho họ có luôn cả tư cách người mua.
“Chẳng hạn, nếu ai đó có ý đồ dìm giá trị doanh nghiệp thì họ có thể để doanh nghiệp thua lỗ rồi sau đó mua được rẻ. Hay để làm ăn thua lỗ trước khi cổ phần hóa, nhằm hạ giá tài sản nhà nước trong doanh nghiệp. Những người trong cuộc nắm rõ thông tin, có thể thao túng để mua với giá thấp. Sau đó, họ tìm cách mua bán, thâu tóm cổ phiếu, để người thân trong gia đình nắm vị trí quan trọng trong Công ty…”, vị này nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, với khối tài sản khổng lồ hiện có của gia đình bà Thoa - một gia đình công chức viên chức không bao giờ dám mơ. Công luận có quyền nghi ngờ và cần được điều tra làm sáng tỏ bà Thoa có lợi dụng những lỗ hổng trong cổ phần hóa để gây thất thoát tài sản Nhà nước về gia đình hay không?
Trao đổi với PV xung quanh những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những vi phạm trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp và việc chứng minh khối tài sản khổng lồ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và gia đình tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, tại Đại hội 12, trong báo cáo kinh tế có ghi quyền đảm bảo tài sản hợp pháp của các nhà đầu tư và doanh nhân. Như vậy, trường hợp tài sản của bà Thoa cũng như của mọi công dân khác, trong trường hợp nếu bị thu hồi vì không chứng minh được tính hợp pháp, đều phải được cơ quan điều tra chứng minh và tòa án quyết định.
“Vấn đề phải chứng minh được nguồn gốc hình thành số tài sản của bà Thoa và gia đình có hợp pháp hay không. Đây là việc của cơ quan điều tra phải làm và từ đó tòa sẽ đưa ra xét xử. Nếu không không hợp pháp sẽ xử lý. Không thể thu hồi tài sản bằng một quyết định hành chính tùy tiện được”, TS Lê Đăng Doanh nói./.
“Sự nghi vấn trong hình thức thoái vốn Nhà nước tại Điện Quang về sau này bằng hình thức thỏa thuận là không bình thường, thiếu minh bạch, không công khai. Bởi, một trong những người mua là họ hàng với bà Thoa. Một năm sau, số cổ phiếu đó được bán đi và người mua lại chính là ông Hồ Quỳnh Hưng (em trai Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa) Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Để làm rõ sự việc này cần có cuộc điều tra xem có nhóm lợi ích hay không? Có tình trạng thâu tóm, làm thất thoát tài sản Nhà nước hay không?”. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI |
Theo VOV