Xuất khẩu 6 tháng cuối năm: Cần nhiều giải pháp hỗ trợ
Bộ Công Thương cần đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu nhằm cân bằng cán cân thương mại.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm cả nước đạt 99,7 tỷ USD, tăng 18,8%, là mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ tăng 5,9%) do tăng trưởng cả về giá và lượng và tăng cao qua các tháng.
Mặc dù nhập siêu 6 tháng cả nước là 2,78 tỷ USD, chiếm 2,85 kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức nhập siêu theo mục tiêu cả năm là 3,5% so với kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, nhập siêu 6 tháng đầu năm đã làm giảm tăng trưởng kinh tế GDP 6 tháng đầu năm tới 7,01%.
Xuất khẩu khu vực FDI vẫn là chủ đạo
Một điểm đáng chú ý trong công tác xuất khẩu là nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản có mức tăng trưởng rất cao trong 6 tháng đầu năm, tăng 40,2% với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,29 tỷ USD và tăng ở tất cả các mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, nổi bật là dầu thô, than đá và xăng dầu các loại, chủ yếu do giá xuất khẩu các mặt hàng tăng cao, đặc biệt là than đá có sự tăng trưởng đột phá cả về lượng xuất khẩu.
Nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào tăng cho thấy tỷ lệ gia công vẫn cao ở các ngành công nghiệp chế biến. (Ảnh minh họa: KT) |
Nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng tăng cao, ở mức 19,1%, với kim ngạch xuất khẩu đạt 78,56 tỷ USD. Trong đó, ghi nhận sự tăng trưởng cao và ổn định của nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn có quy mô xuất khẩu lớn như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện, giày dép, dệt may, máy móc thiết bị và phụ tùng…
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương ghi nhận, nhóm hàng nông – lâm – thủy sản cũng có tốc độ tăng trưởng khá tốt trong 6 tháng đầu năm, với mức tăng 16,7% (đạt kim ngạch xuất khẩu 12,1 tỷ USD), trong đó nổi bật là sự tăng trưởng cao của nhóm rau quả - tăng tới 43,5% với kim ngạch tăng cao hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
“Xuất khẩu 6 tháng đầu năm vẫn có điểm đáng phải lưu ý và cũng là điều cố hữu từ trước đến nay, đó là khu vực FDI vẫn chiếm chủ đạo trong xuất khẩu, chiếm tới 72,1% và có mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp trong nước, chỉ tăng có 20,4%. Đây là 1 vấn đề rất đáng phải rất lưu ý và rõ ràng khu vực FDI vẫn đang đóng vai trò hết sức quan trọng…”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017, trong 6 tháng cuối năm, cùng với việc tiếp tục thúc đẩy các Hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại và phòng vệ thương mại. Đồng thời tập trung bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và có các giải pháp điều hành phù hợp với tình hình thị trường.
“Hiện nay nhiều doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Việt Nam cũng phải tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt, có những hiệp định như hiệp định thương mại giữa Việt Nam – EU mặc dù đã hoàn tất đàm phán nhưng hiện nay chưa ký kết nên thúc đẩy việc ký kết cũng là nhiệm vụ quan trọng”, ông Trần Thanh Hải cho biết.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng có những đổi mới về công tác xúc tiến thương mại theo hướng không chỉ dựa vào nguồn kinh phí của Nhà nước mà phải đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức xúc tiến thương mại ở bên ngoài cùng tham gia.
Đặc biệt là trong công tác phòng vệ thương mại, khi những giải pháp trước đây Việt Nam đã sử dụng như giấy phép, hạn ngạch… hiện nay không được sử dụng, do vậy việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại như áp dụng biện pháp tự vệ hay chống bán phá giá, chống trợ cấp.. cần phải được tăng cường để có thể vận dụng một cách phù hợp, đảm bảo các cam kết quốc tế.
“Trong xu thế bảo hộ hiện nay, nhiều quốc gia đang gia tăng các hàng rào kỹ thuật đối với tất cả các sản phẩm của Việt Nam. Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước vượt qua những hàng rào kỹ thuật, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc đánh giá sự phù hợp cũng rất là quan trọng để giúp cho việc xuất khẩu hàng hóa có thể tăng lên”, ông Trần Thanh Hải nhận định.
Cần giảm nhập nguyên vật liệu đầu vào
Theo dự báo của Bộ Công thương, trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu sẽ tăng cao đối với một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng như dệt may, giày dép, đồ gỗ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu nhằm cân bằng cán cân thương mại cũng như đạt mục tiêu cả năm đạt khoảng 200 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh đánh giá, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng qua bên cạnh việc phụ thuộc vào xuất khẩu các loại tài nguyên, khoáng sản như dầu thô, than đá và chủ yếu từ khối doanh nghiệp FDI, việc nhập siêu thời gian qua có tỷ lệ lớn là nguyên vật liệu đầu vào cho thấy, tỷ lệ gia công vẫn cao ở các ngành công nghiệp chế biến.
Do vậy, để cân bằng cán cân thương mại cũng như tăng trưởng xuất khẩu có sự gia tăng về chất, cần phải giảm được việc nhập khẩu càng loại hàng hóa này, đồng thời tiếp tục coi trọng các thị trường xuất khẩu truyền thống.
“Đối với máy móc thiết bị đương nhiên phải nhập khẩu, nhưng đối với nguyên nhiên vật liệu chúng ta vẫn dựa quá nhiều vào gia công chế biến mà chưa tạo ra được giá trị gia tăng cao. Chính vì vậy, để xuất khẩu được nhiều chúng ta lại phải nhập khẩu nhiều khiến kim ngạch nhập khẩu lớn. Cần phải giảm được thâm hụt thương mại và tiến tới thặng dư thương mại, có như vậy nỗ lực xuất khẩu mới thực sự mang lại giá trị lợi ích”, TS. Vũ Đình Ánh nhận xét.
Theo lý giải của Bộ Công Thương, việc nhập khẩu máy móc thiết bị đã tăng rất cao trong những tháng đầu năm do việc giải ngân một loạt các dự án nên sẽ giảm dần trong những tháng cuối năm. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ. Nhập siêu ước khoảng 5 tỷ USD, bằng khoảng 2,5% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức Quốc hội đề ra./.
Theo VOV