Hội Nông dân Điện Biên

Phát triển kinh tế mô hình trang trại

Thứ Tư, 12/07/2017, 14:26 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tỉnh Điện Biên hiện có trên 547 trang trại của hộ nông dân với quy mô đa dạng, mỗi trang trại cho thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng

Thực hiện mô hình trang trại để phát triển kinh tế hộ gia đình, đến nay nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

1
Tỉnh Điện Biên hiện có trên 547 trang trại của hộ nông dân cho thu nhập trên 100 triệu đồng /năm


Các hộ nông dân đã mạnh dạn xóa bỏ tập quán lạc hậu, nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng, kết hợp vườn rừng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và dịch vụ. Từ kinh tế trang trại nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo kinh tế ổn định, thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng trở lên.

Mô hình trang trại điển hình như gia đình ông Lò Văn Khụt, dân tộc Thái ở phường Noong Bua, TP Điện Biên Phủ với mô hình 6,5ha vườn rừng, cây lấy gỗ và cây ăn quả, kết hợp với chăn nuôi gia súc và thủy sản, mỗi năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Ơn ở xã Mường Toong huyện Mường Nhé đầu tư dịch vụ công kết hợp phát triển kinh tế trang trại đã cho thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Hay gia đình ông Tẩn Chang Củi ở xã Xá Nhè huyện Tủa Chùa với mô hình trang trại khoanh nuôi bảo vệ rừng kết hợp với chăn nuôi, hàng năm cho thu nhập 150 triệu đồng trở lên.

Những năm gần đây phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, làm giầu” ngày càng phát triển sâu rộng trong nông dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Từ phong trào “Nông dân đoàn kết giúp nhau vượt khó xóa đói giảm nghèo”, hằng năm đã giúp cho trên 1000 hộ nông dân thoát nghèo từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

Phát triển kinh tế trang trại đã đã và đang ngày phát triển ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế trang trại. Thời gian qua, kinh tế trang trại trên địa bàn có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được giá trị sản lượng cao trên một đơn vị diện tích; tạo ra các mô hình sản xuất hàng hóa lớn, hỗ trợ việc làm cho lao động ở nông thôn.

Để kinh tế trang trại phát triển một cách bền vững, một trong những định hướng quan trọng hiện nay là lựa chọn mô hình phát triển phù hợp từng vùng trên địa bàn tỉnh để đầu tư hiệu quả, từ đó hình thành các vùng trang trại tập trung với quy mô phù hợp gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Từng bước đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại, hộ gia đình được giao đất phát triển theo quy hoạch; triển khai cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại đối với cơ sở đạt tiêu chuẩn nhằm tạo điều kiện cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư vào sản xuất cũng như vay vốn để sản xuất.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần khuyến khích các hộ dân chuyển nhượng, đồn điền đổi thửa, chuyển đổi từ đất khác sang trang trại chuyên canh hoặc kết hợp. Chú trọng đầu tư cho công tác khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư; chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khoa học công nghệ cho chủ trang trại; đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; áp dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản nông sản; khuyến khích các hình thức liên kết và hợp tác để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến và đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản, góp phần đưa kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng phát triển bền vững.

 

 

Hương Trà
 

.