Hàng nghìn điều kiện kinh doanh đang "trói" doanh nghiệp

Thứ Hai, 03/07/2017, 07:16 [GMT+7]

Con số quá lớn về điều kiện kinh doanh hiện nay đang khiến cho nhiều doanh nghiệp khó tồn tại, giảm năng lực cạnh tranh.
 
Theo rà soát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Luật Đầu tư 2014, sửa đổi năm 2016 mặc dù đã có sự điều chỉnh từ 267 xuống còn 243 ngành, nghề kinh doanh, nhưng vẫn có tới 5.719 điều kiện đầu tư kinh doanh khác liên quan đến 15 Bộ, ngành.

Trong đó, Bộ Công Thương dẫn đầu khi đưa ra 1.220 điều kiện đầu tư kinh doanh, theo sau là Bộ Y tế với 740 điều kiện. Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải cùng nắm giữ trên 600 điều kiện kinh doanh, liên quan đến hàng chục ngành nghề đầu tư, kinh doanh khác nhau.

“Rõ ràng, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được ban hành kèm theo Luật Đầu tư mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016 vẫn còn nhiều bất cập”, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) nhận xét.
 

1
Các DN taxi truyền thống hiện đang hoạt động với 13 điều kiện kinh doanh khiến khó cạnh tranh với mô hình taxi mới. (Ảnh minh họa: KT).


Ông Đức cho rằng, mặc dù đã giảm từ 267 xuống 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, song điều này không có nghĩa là sau 2 năm đã giảm được 24 ngành, nghề, mà phần lớn vẫn chỉ là giảm do sắp xếp lại, thay đổi từ ngữ và sáp nhập một số ngành, nghề vào nhau nên con số giảm là chưa thực chất.

“Trong danh mục 267 ngành đã có 4 ngành, nghề liên quan đến vàng là “kinh doanh mua, bán vàng miếng”, “sản xuất vàng miếng”, “xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” và “sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ”. Khi sửa đổi còn 243, 4 ngành, nghề này được “dồn” lại thành 1 ngành nghề kinh doanh có điều kiện duy nhất là “kinh doanh vàng”, ông Đức lấy ví dụ.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và kinh doanh ô tô - lĩnh vực nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An cho rằng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do yêu cầu về điều kiện kinh doanh ngày càng khắt khe.

Ông Tuấn cho biết, từ khi có thông tin sửa đổi Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu và kinh doanh ô tô cách nay 1 năm, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã háo hức, hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội để tham gia thị trường. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy.

“Theo dự thảo mới, với yêu cầu hãng xe phải xác nhận cơ sở được cam kết bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi của hãng..., đã kiến các doanh nghiệp trong nước mất cơ hội tham gia thị trường. Thị trường ô tô Việt Nam sẽ giao hoàn toàn cho các hãng nước ngoài được độc quyền nhập khẩu”, ông Tuấn bày tỏ.

Nhiều điều kiện vô lý

Thời gian quan, đã có không ít doanh nghiệp taxi truyền thống đề xuất, cần phải có biện pháp cấm đối với loại hình taxi Grab và Uber. Các hãng taxi mới này đang có nhiều dấu hiệu cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp taxi truyền thống.

Tuy nhiên, khi nhận định về vấn đề này, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, các hãng taxi truyển thống đề xuất cấm đối với các những loại hình mới taxi này chỉ vì không cạnh tranh nổi là đề xuất mang tính “phi thị trường”.

Bởi vì theo bà Loan, trong khi cả thế giới đang hướng đến nền kinh tế chia sẻ, Việt Nam không nên và không thể đi ngược với xu hướng đó. Mặc dù chia sẻ với các doanh nghiệp taxi truyền thống nhưng bà Loan cho rằng, cơ quan quản lý chỉ có thể quản lý chặt hơn đối với các loại hình Uber và Grab, nếu cấm là điều hoàn toàn không nên, là đi ngược lại với xu thế hội nhập.

Lý giải mấu chốt đang kìm hãm các hãng taxi truyền thống hiện nay, bà Loan cho rằng, các nhà quản lý đang “trói” taxi truyền thống bằng 13 điều kiện kinh doanh nên rất cần phải tháo, làm sao chỉ còn 3 - 4 điều kiện hoặc thậm chí không còn điều kiện nào sẽ giúp taxi truyền thống hoạt động và cạnh tranh tốt hơn.

“Phía người tiêu dùng rất hoan nghênh taxi Uber và Grab, không chỉ bởi họ được hưởng quyền lợi do giá rẻ hơn mà còn do dịch vụ tốt, tài xế rất lịch sự. Có rất nhiều điểm mà 2 hãng xe này hơn hẳn taxi truyền thống. Vậy tại sao lại cấm những dịch vụ đang rất có lợi cho người tiêu dùng?”, bà Loan đặt câu hỏi.
Từ câu chuyện trên, bà Loan khẳng định, vấn đề ở đây là chính các điều kiện kinh doanh đang “trói” các doanh nghiệp trong nước. Không chỉ đối với lĩnh vực taxi, vận tải mà còn nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nữa, ví dụ như việc quy định doanh nghiệp phải có kho bãi, có diện tích này, đội ngũ kia…là vô cùng phi lý, phi thị trường và cản trở doanh nghiệp.

Có thể thấy, môi trường kinh doanh hiện nay đã có sự cải thiện bằng việc giảm khá nhiều về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải tiếp tục loại bỏ thêm 1/3 số điều kiện kinh doanh đang tồn tại hiện nay, như thế doanh nghiệp trong nước mới thực sự có một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi./.

 

Theo VOV

.