Gỡ "điểm nghẽn" trong xử lý nợ xấu
Việc xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Khi thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức, cá nhân vay tiền, ngân hàng phải kiện ra toà...
Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội có hiệu lực từ 15/8 sắp tới sẽ giải quyết những vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan đến nợ xấu và tài sản đảm bảo các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã kéo dài nhiều năm qua. Đây là đánh giá của các đại biểu tại hội nghị triển khai Nghị quyết này, do ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 21/7.
Nghị quyết 42 của Quốc hội sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng |
Các đại biểu cho rằng, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc như: Khi thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức, cá nhân vay tiền, Ngân hàng phải kiện ra toà. Việc khởi kiện thi hành án kéo dài và phải qua nhiều thủ tục. Các trường hợp bán tài sản là đất, tài sản gắn liền với đất không được các cơ quan chức năng chứng nhận vì vướng thủ tục pháp lý. Nếu thắng kiện, Ngân hàng phải thông qua cơ quan thi hành án tại địa phương và phải trích tiền bán tài sản để đóng một số loại thuế, có khi bằng số tiền bán tài sản.
Nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực sẽ tạo thuận lợi cho Ngân hàng giải quyết nợ xấu như: Cho phép Ngân hàng bán nợ; cho ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm; được phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản; được kê biên tài sản trong quá trình làm các nghĩa vụ khác.
Theo ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Nghị quyết 42 sẽ tạo ra xung lực mới cho các ngân hàng giải quyết nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank hiện dưới 1,5%. Số dư nợ xấu không lớn so với các ngân hàng khác nhưng đó là nợ nội bảng. Còn nợ ngoại bảng đối với các ngân hàng thì rất lớn. Tính cả nợ xấu nội ngoại bảng thì lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nếu giải quyết được vấn đề nợ xấu, Ngân hàng này sẽ có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay.
"Khi đi vay thì khách hàng cam kết thế chấp nhưng khi ngân hàng đòi nợ thì khách hàng không hợp tác để cho ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo. Nghị quyết của Quốc hội không tạo ra đặc quyền nào cho ngân hàng nhưng đưa ra khung khổ pháp lý để khi xảy ra tình huống bất khả kháng là ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo thì chúng tôi có cơ sở để xử lý. Bây giờ có khung khổ pháp lý rồi thì chúng tôi mong thực thi phải hiệu quả", ông Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Vietcombank cũng lưu ý: Đây không phải câu chuyện của ngân hàng mà của các bộ ngành khác như tòa án, cơ quan thi hành án, cơ quan công an...thì mới thực thi có hiệu quả được.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, mặc dù quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu thời gian qua đạt được nhiều kết quả, song hệ thống vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý chiếm 5,81% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ xấu đã được cơ cấu lại giữ nguyên nhóm nợ thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay.
Các đại biểu cho rằng, để giải quyết tốt hơn vấn đề nợ xấu, các tổ chức tín dụng cần có những biện pháp ngăn ngừa những yếu tố có thể biến thành nợ xấu. Vừa qua, đã có tình trạng nâng khống giá trị tài sản thế chấp. Trong quá trình tài sản được thế chấp, Ngân hàng cũng không giám sát nên hiện trạng bị thay đổi, có khi tài sản đó bị tranh chấp hoặc bị bán cho người khác. Bên cạnh đó, khi xảy ra tranh chấp, các tổ chức tín dụng cần đàm phán với các bên để tìm sự đồng thuận. Việc bán tài sản thế chấp cần đảm bảo tính công khai, minh bạch để bàn giao được cho người mua./.
Theo VOV