Định giá thương hiệu – Khoảng trống còn bỏ ngỏ

Thứ Tư, 05/07/2017, 07:29 [GMT+7]

Việc xác định giá trị thương hiệu đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta vẫn chưa thực sự được chú trọng.

Thương hiệu được coi là giá trị cốt tủy của doanh nghiệp, có thương hiệu trị giá 70% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp. Nhưng cho đến nay, việc xác định giá trị, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết... bằng giá trị thương hiệu đối với các doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta vẫn còn... một khoảng trống bỏ ngỏ.

Trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn mạnh tay chi bạo để xây dựng thương hiệu, nhưng lại không xác định được giá trị của tài sản vô hình này nên đã rơi vào tình cảnh “ném tiền qua cửa sổ”.

Ông Vũ An Khang, Giám đốc Công ty CP định giá và tài chính Việt Nam nhận định, hiện nhà nước quy định có định giá tài sản vô hình bao gồm cả nhãn hiệu,… rất nhiều vấn đề phải tính toán nhưng không có công thức nhất định nào được áp dụng cụ thể.

1
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng cục tài chính doanh (Bộ Tài chính) cho rằng, việc xây dựng, phát triển và định giá đúng giá trị thương hiệu là nhu cầu thiết thực đối với mọi loại hình doanh nghiệp.


Ngay cả những doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa thuê các nhà tư vấn chuyên nghiệp song cũng đưa ra các giá trị doanh nghiệp nói chung và giá trị thương hiệu nói riêng rất khác nhau. Điều này khiến Nhà nước có thể bị thất thoát lớn trong quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập...

“Định giá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mà giao cho hết cho đơn vị tư vấn định giá thương hiệu thì sẽ rất khó khăn. Có thể doanh nghiệp này sẽ tham khảo ở 2 đơn vị tư vấn, thẩm định và nhiều khả năng sẽ đưa lại những kết quả chênh lệch nhau, sẽ dẫn đến nhiều lo ngại về việc trao quyền này”, ông Khang nói.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), việc xây dựng, phát triển và định giá đúng giá trị thương hiệu là nhu cầu thiết thực đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp nhà nước được các tổ chức uy tín quốc tế ghi nhận giá trị thương hiệu cao, tạo được uy tín trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa xác định được giá trị thương hiệu, hoặc xác định chưa đầy đủ gây nên những trở ngại không đáng có trong quá trình phát triển. Nhà nước có thể bị thất thoát lớn trong quá trình cổ phần hóa, nhất là giai đoạn tới sẽ cổ phần háo nhiều tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn.

“Doanh nghiệp thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập vì không xác định được giá trị thương hiệu. Thậm chí, các đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, thẩm định giá vẫn còn lúng túng trong việc xác định giá trị thương hiệu...”, ông Tiến nhận xét.

Theo các bảng xếp hạng, Việt Nam hiện đã có khá nhiều thương hiệu xuất hiện trong top thương hiệu hàng đầu thế giới. Nhiều doanh nghiệp Việt đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, song khi “xuất ngoại” vẫn phải “núp” dưới tên của các thương hiệu có giá trị trên thế giới mới có thể vào được thị trường quốc tế. Và đương nhiên, các doanh nghiệp Việt phải mượn danh này sẽ thiệt thòi đủ đường.

Phân tích của ông Đặng Quyết Tiến cho thấy, nguyên nhân chính của tình trạng này do các quy định pháp luật tại Việt Nam về vấn đề này chưa đầy đủ theo thông lệ quốc tế, dù tài sản vô hình nói chung hay thương hiệu nói riêng đã được ghi nhận trên các báo cáo tài chính.

Để giải quyết vấn đề cơ bản này, ông Tiến cho biết, gần đây, các cơ quan chức năng đã có một số định hướng, bổ sung các quy định pháp lý, đặc biệt là tiến hành sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP, trong đó chú trọng hơn vào việc xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị lợi thế kinh doanh.
Trong khi đó, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó Tổng Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia cho rằng, việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động phát triển thương hiệu, thông qua phối hợp các chương trình và hoạt động tương đồng về mục tiêu và nội dung của các Bộ, ngành nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Cụ thể là Chương trình thương hiệu quốc gia sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức và năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm.

“Lựa chọn các thương hiệu tiêu biểu của Việt Nam để hỗ trợ và phát triển theo các giá trị chất lượng - đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong sẽ quảng bá hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị này ở thị trường trong nước, thị trường thế giới tới các đối tượng mục tiêu”, ông Lang đánh giá và nhận định, việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, trên cơ sở phối hợp giữa thương hiệu sản phẩm và chỉ dẫn địa lý/thương hiệu địa phương là vô cùng quang trọng trong tình hình hiện nay.

Việc xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu không phải đến bây giờ mới được các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp coi trọng. Chính vì thế, những tồn tại và bất cập trong công tác này cần nhanh chóng được hoàn thiện về mặt chính sách, kết hợp với việc tuyên truyền vận động cần phải thiết thực và hiệu quả hơn nữa.

Chỉ khi đó, thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam mới thực sự bền vững và phát huy được giá trị tại thị trường trong nước, thị trường thế giới trong xu hướng hội nhập toàn cầu rộng khắp như hiện nay./.

Theo đánh giá của công ty Tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance. VietinBank đã có bước tiến ngoạn mục khi vươn lên Top 400 Thương hiệu ngân hàng toàn cầu với giá trị thương hiệu đạt 249 triệu USD năm 2016. Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đạt 2,686 tỷ USD; giá trị của Vinaphone là 1,04 tỷ USD; Mobiphone là 391 triệu USD./.

 


Theo VOV

.