Bán vốn cổ phần, Nhà nước chỉ thu được 73 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp
6 năm qua từ 2011 đến 2015, cả nước đã cổ phần hoá được 499 doanh nghiệp Nhà nước, số vốn thu về đạt 36.537 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán chuyên đề việc thực hiện Đề án “Tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” do Kiểm toán Nhà nước vừa công bố cho thấy, bình quân bán vốn tại mỗi DNNN, Nhà nước thu về hơn 73 tỷ đồng.
Cổ phần hóa 499 doanh nghiệp, Nhà nước thu về 36.537 tỷ đồng
Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã cổ phần hóa được 499 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch (499/518 doanh nghiệp); số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo giá trị sổ sách đã được thoái 26.222 tỷ đồng, thu về 36.537 tỷ đồng, bằng 1,4 lần giá trị sổ sách; phần lớn các DNNN sau cổ phần hóa đều có lãi, góp phần tăng thêm nguồn thu cho NSNN và cải thiện thu nhập của người lao động.
Cổ phần hóa 499 doanh nghiệp, Nhà nước thu về 36.537 tỷ đồng (ảnh minh họa: KT) |
Như vậy, tính ra, số vốn nhà nước theo giá trị sổ sách ở mỗi doanh nghiệp khi cổ phần hóa chỉ tương đương 52,5 tỷ đồng. Nhưng khi bán vốn ra thị trường đã thu về được 73,2 tỷ đồng/doanh nghiệp, tức là giá trị vốn doanh nghiệp tăng được 21 tỷ đồng sau cổ phần hóa.
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, phần lớn các DNNN sau cổ phần hóa đều có lãi, góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và cải thiện thu nhập của người lao động. Song, việc thực hiện Đề án còn chưa đáp ứng được tiến độ đề ra; công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC chậm; hiệu quả SXKD tại một số doanh nghiệp chưa cao...
Năm 2016, đã có 56 doanh nghiệp nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Con số này là rất thấp so với trung bình 118 doanh nghiệp được cổ phần hóa mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015. Chính phủ đánh giá tình hình cổ phần hóa DNNN, thoái vốn còn chậm. 6 tháng đầu năm 2017 mới cổ phần hóa 20 doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa 21 doanh nghiệp, mới thoái vốn 11.600 tỷ đồng trong khi kế hoạch đề ra là 60.000 tỷ đồng. |
Về nguyên nhân, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, do việc xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án của các cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế. Cụ thể là việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu còn thiếu chuyên nghiệp, chưa tách biệt giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với các chức năng quản lý nhà nước.
Sự phối hợp giữa các Bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố với SCIC chưa tốt; Quy định về sắp xếp, phân loại doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc diện chuyển giao trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, dịch vụ công ích chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó cũng chưa tổng kết, đánh giá việc thí điểm giao cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã CPH thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh để có định hướng rõ ràng; Công tác quyết toán CPH cũng chậm.
Một số cơ chế chính sách chưa được ban hành kịp thời, phù hợp với thực tiễn, còn bất cập; một số cơ chế, chính sách liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa chặt chẽ, còn có sơ hở gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Thẩm định, phê duyệt, báo cáo tình hình thực hiện Đề án chậm.
Chưa chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế. Đó là xây dựng đề án chưa sát với tình hình thực tế, chưa lường hết khó khăn vướng mắc, còn chung chung, thiếu căn cứ, phải điều chỉnh nhiều lần... làm chậm tiến độ thực hiện.
Tái cơ cấu về ngành nghề kinh doanh thì chưa triệt để (chưa chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, ngành nghề chính còn trùng lặp).
Còn trường hợp chưa cơ cấu tài chính để triển khai nhiệm vụ được giao, phù hợp với định hướng phát triển; chưa xử lý các tồn tại về tài chính, không tự cân đối được nguồn trả nợ, chưa cấp đủ vốn điều lệ; việc thoái vốn còn chậm, không đảm bảo theo lộ trình; còn trường hợp thoái vốn trong nội bộ hoặc chuyển nhượng giữa các DNNN với nhau.
Về tổ chức sản xuất kinh doanh vẫn còn tình trạng cạnh tranh nội bộ và chưa có sự liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên; chưa thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác triệt để; Tổ chức quản lý, quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực chưa có khác biệt rõ nét so với trước khi thực hiện Đề án; Về chiến lược phát triển và thị trường sản phẩm còn tình trạng chưa được quan tâm và đầu tư tương xứng.
Với thực tế trên, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành: Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nhằm ngăn ngừa thất thoát tài chính, tài sản công; ban hành, sửa đổi các quy định về thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp, tiêu chí phân loại DNNN; cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm, thuê viên chức quản lý trong DN; xây dựng mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước trên cơ sở tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.../.
Theo VOV