3 nguyên nhân giúp Viettel thu lãi ngàn tỷ từ nước ngoài
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thị trường, biến động tỷ giá có lợi, phát triển dịch vụ mới và các dự án chiến lược là những nhân tố giúp Viettel Global đạt lợi nhuận 1.000 tỷ đồng khi đầu tư ra nước ngoài.
Báo cáo kết thúc 6 tháng đầu năm mới được công bố của Viettel Global cho biết, tổng công ty này đã đạt được doanh thu tới 14.000 tỷ đồng (600 triệu USD) tại 9 thị trường quốc tế đang khai thác. Lợi nhuận sau thuế, theo đó, đạt 1.000 tỷ đồng, đưa VTG trở lại câu lạc bộ lợi nhuận ngàn tỷ cho các hoạt động đầu tư tại nước ngoài.
Kết quả tài chính khả quan này có sự đóng góp lớn từ những thị trường truyền thống và thị trường mới, những dự án chiến lược, sự chuyển dịch mạnh về dịch vụ mới và biến động tỷ giá có lợi với Viettel.
Sức tăng của thị trường
Ngoài Lào, Campuchia, Đông Timor là các thị trường truyền thống đang mang về khoản lợi nhuận ròng tốt cho Viettel Global, các công ty khác tại Peru, Burundi hay Haiiti cũng đang có những đóng góp lớn nhờ sức tăng trưởng mạnh mẽ.
Riêng trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Viettel tại thị trường Peru và Burundi còn có tốc độ tăng trưởng vượt cả Đông Timor, khi Peru đạt tốc độ 82%; Burundi tăng 38%; Đông Timor tăng 29%. Riêng Haiti, hồi phục sau trận bão năm 2016, đạt mức tăng doanh thu tới 15% so với cùng kỳ năm năm trước.
Có rất nhiều khác biệt nhưng Peru và Đông Timor cũng là hai thị trường nổi bật nhất của Viettel trong 6 tháng qua. Lợi nhuận trước thuế của Viettel tại Peru lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 405 tỉ đồng (18 triệu USD) vượt ~132% kế hoạch đề ra và doanh thu hơn 2.500 tỉ đồng (112 triệu USD) tăng 82% so với cùng kỳ năm 2016, vượt 3% so với kế hoạch đề ra.
Đối với thị trường Đông Timor, doanh thu của Công ty Viettel Timor Leste (Telemor) đạt 340 tỉ đồng (15 triệu USD), tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 10% so với kế hoạch đề ra, cùng số lượng khách hàng tăng 42% so với kế hoạch.
Biến động tỷ giá có lợi
Khác với thời điểm năm 2016, Viettel hiện được lợi tỷ giá từ các thị trường, trong đó nổi bật là Mozambique và Cameroon. Không còn tình trạng mất giá nội tệ tới 40-60% như những năm trước, mức giảm giá của các đồng tiền tại Mozambique và Cameroon so với USD đã chững lại, mang về khoản lợi không nhỏ cho Viettel.
Cụ thể, việc các quốc gia này kiểm soát được mức trượt tỷ giá đã mang lại khoản lợi 14% cho Viettel tại Mozambique, 7% tại Cameroon. Các thị trường tiềm năng là Peru, Haiti cũng được lợi 3-6%.
Theo Tổng giám đốc VTG Lê Đăng Dũng, nếu tình hình tiếp tục thuận lợi như vậy đến cuối năm, khả năng VTG có thể đạt lợi nhuận khá lớn, riêng tại 2 thị trường Mozambique và Cameroon có thể đạt 60-70 triệu USD.
Dịch vụ mới và các dự án chiến lược
Ông Lê Đăng Dũng cho biết, với mục tiêu chuyên biệt tại từng thị trường, tùy thuộc vào đặc điểm về GDP, quy mô, thực trạng địa lý và các vấn đề liên quan tới tài chính, chính trị, Viettel đã xây dựng một kế hoạch cụ thể cho từng công ty tại nước ngoài của tập đoàn với chỉ 1-2 mục tiêu quan trọng nhất. Từ phát triển quy mô, tăng trưởng thuê bao, nâng cao dịch vụ tới tăng doanh thu thực APRU trên từng người dùng, VTG hướng tới mục tiêu quan trọng: mang được 250 triệu USD (hơn 5.000 tỷ đồng) về Việt Nam năm 2017.
Tại các thị trường truyền thống, Viettel dần thay thế hình ảnh của mình bằng những chiến lược trẻ hóa khách hàng. Ở Campuchia, sau thời gian dài bị đóng khung là "nhà mạng của người già", VTG đã thực hiện những bước "lột xác" để đánh vào nhóm khách hàng chi tiêu nhiều hơn, là nhóm khách hàng trẻ tuổi. Nhờ việc thay đổi màu sắc logo, thực hiện các sự kiện hấp dẫn khách hàng trẻ, thay đổi chiến lược chăm sóc khách hàng, Metfone đã trở lại mốc 7 triệu thuê bao sau 6 tháng năm 2017.
Tại Lào, Unitel nhanh chóng đạt mốc 4 triệu khách hàng, duy trì vị thế nhà mạng số 1 tại đây. Ở Đông Timor, Viettel khai thác thêm tần số mới được cấp miễn phí để mang lại giá trị làm lợi hàng triệu USD cho thương hiệu Telemor, cũng như thúc đẩy khai trương dịch vụ 4G.
Tại Peru, nhờ đầu tư sớm hệ thống mạng 4G, Bitel đã trở thành nhà mạng có độ phủ 4G rộng nhất Peru với 5.000 trung tâm dân cư thông qua 3.000 trạm phát sóng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ 4G của Bitel tăng gấp 5 lần, nâng tổng số khách hàng của Bitel lên trên 2 triệu khách hàng toàn quốc.
Nguồn tin từ Viettel Global cho biết, để tiếp tục duy trì vị thế nhà mạng số 1 tại hầu hết các thị trường quốc tế, cũng như tạo đà phát triển trong các năm sau, Viettel tập trung vào những mảng kinh doanh mới như các giải pháp CNTT, như ví điện tử, hệ thống quản lý dân số, quyết toán thuế….
Trong 6 tháng đầu năm 2017, các giải pháp điển hình của Viettel đã thuyết phục được nhiều chính phủ, kí kết được 8 hợp đồng lớn với tổng trị giá trên 400 tỉ đồng, doanh thu thực mang lại đạt 270 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cả năm 2016./.
Theo VOV