Vùng an toàn dịch bệnh - Cơ hội xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Thứ Năm, 08/06/2017, 08:49 [GMT+7]

Rào cản thương mại cũng như nguy cơ mất an toàn dịch bệnh trong sản phẩm chăn nuôi vẫn là hạn chế cho quá trình xuất khẩu.
 
Tại hội nghị “Hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi” diễn ra ngày 7/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám khẳng định, ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên duy trì các cuộc gặp đối thoại với doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi để tiếp nhận ý kiến và kiến nghị Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp mở thị trường.

Đề cập đến tình hình xuất khẩu thịt lợn trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua đợt khủng hoảng thịt lợn kéo dài nhiều tháng qua, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Việt Nam đang xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh sang các thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia.
 

1
Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định, vùng an toàn dịch bệnh sẽ thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.


Năm 2016, sản lượng thịt lợn xuất khẩu đạt khoảng 11.000 tấn, trị giá khoảng 100 triệu USD. Trong 5 tháng của năm nay, đã xuất khẩu chính ngạch 10.600 tấn thịt lợn sữa, thịt lợn choai đông lạnh, trị giá khoảng 46 triệu USD sang những thị trường này.

Tại hội nghị, đại diện doanh nghiệp và địa phương nêu ra nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi hiện nay như quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ còn cao; chuỗi giá trị chăn nuôi còn yếu và thiếu; công tác quy hoạch thông tin thị trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Trong đó, vấn đề về tín dụng, quỹ đất, công tác quy hoạch và quản lý dịch bệnh còn nhiều bất cập.

Một số đại biểu cho rằng, các sản phẩm của ngành chăn nuôi hoàn toàn có tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là rào cản thương mại của các thị trường cũng như việc đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm vẫn là hạn chế lớn nhất của ngành chăn nuôi…

Ông Đỗ Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thắng Lợi, trụ sở tỉnh Hải Dương cho biết, thị trường xuất khẩu thịt lợn là vẫn có, vì nhiều khách hàng từ Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc đều sang đặt vấn đề về nhập khẩu trong đó có lợn choai và lợn sữa nhưng khả năng xuất khẩu vẫn thấp, chủ yếu vẫn duy trì thị trường Hong Kong và Malaysia.

“Qua thực tế của doanh nghiệp, vấn đề then chốt để mở thị trường là phải đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Tiếp đó là điều kiện của nhà máy phải khép kín từ khâu sản xuất, chế biến cũng như quá trình vận chuyển phục vụ xuất khẩu”, ông Hoàng nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám lưu ý, trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp nên hướng đến sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến, muốn vậy phải đầu tư đồng bộ, có kho lạnh trữ hàng, có dây chuyền sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời phải đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi không chỉ tập trung vào 1 sản phẩm để đầu tư dẫn đến cung vượt cầu, “khủng hoảng thịt lợn” như vừa qua.

Đối với xuất khẩu động vật sống, các nước nhập khẩu đặt ra những yêu cầu rất khắt khe, vì vậy doanh nghiệp khi đầu tư chuỗi chăn nuôi phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, có các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, các cơ sở phải thực hiện chăn nuôi, sản xuất an toàn dịch bệnh.

Về vấn đề này các đơn vị trực thuộc Bộ cùng với các địa phương sẽ song hành với doanh nghiệp để hỗ trợ thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi.

“Quan trọng nhất của sản phẩm xuất khẩu hiện nay chính là việc đáp ứng rào cản kỹ thuật. Bộ NN&PTNT giao Cục thú y củng cố Tổ công tác sát cánh cùng doanh nghiệp. Sau khi đàm phán với các nước, doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để cơ quan thú y xuống làm việc từng doanh nghiệp hỗ trợ. Bộ phải thường xuyên cung cấp thông tin về đàm phán và cơ hội mở cửa thị trường cho doanh nghiệp, cùng với các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng an toàn và vùng nguyên liệu kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nêu rõ./.

 

Theo VOV

.