"Vũ khí" nào chống chuyển giá và lách thuế?
Nghị định 20/2017 là cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho công tác đấu tranh chống chuyển giá và khắc phục kịp thời những bất cập.
Tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia khiến nhà nước thất thu thuế hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó việc quản lý, kiểm soát hoạt động này lâu nay còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả. Nghị định 20/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, được cho là một công cụ mới để ngăn chặn tình trạng sử dụng các chiêu trò chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp vốn trực tiếp nước ngoài.
Mới đây, báo cáo tài chính của Công ty Lotte Shopping Hàn Quốc được công bố khiến nhiều người ngạc nhiên, khi công ty con là công ty cổ phần Lotte Vietnam Shopping - đang vận hành chuỗi siêu thị Lotte Mart tiếp tục thua lỗ. Cụ thể, sau 10 năm kinh doanh ở Việt Nam, hệ thống siêu thị Lotte Mart đã lỗ lũy kế tới 2.000 tỷ đồng, trong khi tăng trưởng doanh thu của Lotte Mart ở mức bình quân 50%.
Chuỗi siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam liên tục kêu thua lỗ. |
Câu chuyện thua lỗ Lotte Mart gợi nhớ đến trường hợp của Metro Cash & Carry Việt Nam báo lỗ 12 năm với số tiền hơn 1.600 tỷ đồng, chỉ có một năm 2010 là tập đoàn này có lãi ở Việt Nam với số tiền 173 tỷ đồng. Sau nhiều đợt thanh tra, cơ quan thuế của Việt Nam đã yêu cầu Metro Cash & Carry điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng...
Theo các chuyên gia, trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài thường xuyên báo lỗ trong nhiều năm, thậm chí lỗ mất vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh…cho thấy có những dấu hiệu của việc chuyển giá, trốn thuế.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nhiều công ty báo cáo lợi nhuận không cao nhưng vẫn bành trướng mở rộng thì đấy là dấu hiệu của trốn thuế.
“Chuyển giá bản chất là chạy thuế giữa các nước. Điểm bất công là chúng ta đã cung ứng hạ tầng và môi trường, kể cả điều kiện pháp lý để bảo vệ họ, nhưng họ lại không đóng thuế để trả các dịch vụ đó. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nước đang phát triển như Việt Nam cần có sự chủ động và phối hợp với các nước và các tổ chức quốc tế để kiểm soát việc trốn tránh thuế”, TS. Nguyễn Đức Thành khuyến nghị.
Tình trạng chuyển giá không phải là mới và việc điều tra chuyển giá thời gian qua cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, cơ quan này từng điều tra về chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo đó, các ngành khác nhau có cách thức chuyển giá khác nhau. Một số ngành có tỷ lệ chuyển giá cao là các ngành tham gia sâu vào chuỗi toàn cầu, trong đó hàng hóa dịch vụ do các công ty mẹ cung cấp nhiều như dệt may, ô tô…Ngoài ra, còn có nhóm tài sản vô hình khó định giá như tài chính, bảo hiểm…
Thực tế, Việt Nam đã có các quy định ngăn ngừa chống chuyển giá từ năm 2010, nhưng chưa thực sự hiệu quả. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị công chứng Australia, Nghị định 20 có một số quy định khá chặt chẽ so với thông lệ thế giới, vì yêu cầu công ty đa quốc gia phải cung cấp 3 loại báo cáo trong hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, gồm: Báo cáo quốc gia, báo cáo tập đoàn và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao. Đây là những điểm mới góp phần kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển giá.
“Thực tế doanh nghiệp có chuyển giá đầu vào, khi ký hợp đồng với khách hàng lớn, lợi nhuận lớn doanh nghiệp tìm cách giảm chi phí thuế xuống, dùng nhiều thủ thuật để chuyển giá đầu vào. Trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, ví dụ doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu máy móc trang thiết bị lên gấp 10 -15 lần cộng với chi phí tư vấn, chạy thử, phí bản quyền…Trong suốt quá trình hoạt động, họ điều tiết thuế bằng khoản chi phí quản lý từ công ty mẹ. Nghị định 20 cố gắng ngăn chặn những điều này”, ông Long chỉ rõ.
Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Nghị định 20/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho công tác đấu tranh chống chuyển giá và khắc phục kịp thời những bất cập.
Chia sẻ thêm về những điểm mới trong Nghị định này, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, công ty mẹ tối cao của các tập đoàn có trụ sở chính tại Việt Nam mà doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 18.000 tỷ đồng trở lên sẽ phải nộp báo lợi nhuận liên quốc gia cho cơ quan thuế.
Thực tế, một số nước cũng yêu cầu tập đoàn đa quốc gia cung cấp toàn bộ thông tin về chuỗi giá trị phân phối, kênh tạo lập nên giá trị và số thuế đã nộp tại các quốc gia có thành lập pháp nhân. Ngoài ra Nghị định này cũng nêu rõ các phương pháp cụ thể làm căn cứ xác định giao dịch liên kết.
“Để đảm bảo minh bạch và chính xác, sắp tới, ngành thuế sẽ có cơ chế để phối hợp trao đổi thông tin với cơ quan thuế các nước, nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia. Nếu phát hiện vi phạm như không cung cấp không đầy đủ thông tin, hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận áp dụng cho giao dịch liên kết, cơ quan Thuế sẽ ấn định thuế đối với người nộp thuế”, bà Lan Anh cho biết.
Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, chỉ tính riêng năm 2015, cơ quan thuế kiểm tra hơn 4.700 doanh nghiệp, giảm lỗ hơn 10.000 tỉ đồng. Năm 2016 ngành thuế thanh tra chống chuyển giá tại 329 doanh nghiệp, giảm lỗ hơn 5.100 tỷ đồng.
Chống chuyển giá, trốn thuế là việc khó không chỉ với Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nguy cơ các tập đoàn đa quốc gia lợi dụng kẽ hở để chuyển giá là rất lớn, đòi hỏi hệ thống pháp luật về thuế cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung những công cụ hữu hiệu, hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế để ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn thuế, thất thu ngân sách nhà nước./.
Theo VOV