Tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả DNNN

Doanh nghiệp Nhà nước: Chuyển đổi sở hữu để khắc phục yếu kém

Thứ Tư, 07/06/2017, 14:03 [GMT+7]

Nên giao cho một cơ quan thực hiện chức năng chuyển đổi sở hữu các DNNN thay vì từng ngành và từng doanh nghiệp thực hiện.

Nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia kinh tế, TS. Phan Thanh Hà cho rằng, không thể khắc phục được những yếu kém của DNNN nếu không thúc đẩy chuyển đổi sở hữu.

Những yếu kém chậm chuyển biến

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi: Vì sao những yếu kém của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được chỉ ra từ lâu nhưng tình hình chậm chuyển biến? Căn bệnh của DNNN có nguyên nhân sâu xa nằm ở chế độ sở hữu, do chế độ phân phối chưa phù hợp với chế độ công hữu tư liệu sản xuất. Vì vậy, không thể khắc phục được những yếu kém của DNNN nếu không chuyển đổi sở hữu.
 

1
Với mức lương và mức thuế tương đương như doanh nghiệp tư nhân, DNNN không có động lực phải làm ra lợi nhuận, thậm chí có khả năng phân phối lạm vào vốn của Nhà nước. (Ảnh minh họa: KT)


Ở doanh nghiệp tư nhân, lợi nhuận do nhiều người cùng tham gia sản xuất tạo ra, gồm cả nhà đầu tư và công nhân, được phân phối theo định lượng rõ ràng, dựa trên tỷ lệ đóng góp của họ vào quá trình sản xuất kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và sức lao động, bao gồm cả lao động của công nhân và lao động trí tuệ của nhà đầu tư.

Ở DNNN lợi nhuận (nếu có) được phân phối thiếu định lượng rõ ràng hơn. Kết quả làm ra được phân phối trước hết cho những người làm việc tại DNNN dưới hình thức tiền lương. Chủ sở hữu - người đầu tư vốn là Nhà nước – nhận được khấu hao tư liệu sản xuất.

Ngoài phần thu thuế với tư cách người quản lý xã hội mà DNNN có nghĩa vụ nộp như doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước không được hưởng lợi tức đầy đủ của chủ sở hữu. Với mức lương và mức thuế tương đương như doanh nghiệp tư nhân nên DNNN không có động lực phải làm ra lợi nhuận, thậm chí có khả năng phân phối lạm vào vốn của Nhà nước. Mặc dù thua lỗ, DNNN vẫn tồn tại do được Nhà nước bù lỗ và tiếp tục đầu tư. DNNN hiếm khi phá sản, dừng hoạt động do phải xác định trách nhiệm làm doanh nghiệp thua lỗ.

Các yếu điểm của DNNN khó khắc phục bằng khuôn khổ luật pháp. Bản thân người được giao nhiệm vụ quản lý (tại doanh nghiệp và bộ ngành) không muốn đề ra những quy định chặt chẽ để có thể chiếm hữu cho riêng mình và tập thể của mình.

Nhưng nếu duy trì khu vực kinh tế nhà nước với nhiều DNNN thua lỗ thì kinh tế sẽ suy sụp; Vấn đề chỉ là thời gian nhanh hay chậm vì cạn kiệt ngân sách nhà nước, hay do phát hành tiền không giới hạn. Đó chính là lý do phải đẩy mạnh chuyển đổi sở hữu các DNNN.

Hiện nay, DNNN được giao nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đồng thời với nhiệm vụ chính trị - xã hội như định hướng, điều tiết thị trường: Để hỗ trợ nông dân, khi giá phân bón, vật tư, thuốc trừ sâu lên cao thì DNNN bán ra để kéo giá xuống; Còn khi giá mua giảm xuống thì DNNN thu mua để đẩy giá lên. Đi ngược lại quy luật thị trường như vậy, DNNN không thể có lãi.

Trên thực tế, giá cả thị trường được điều tiết theo quy luật cung cầu, không cần DNNN hay Nhà nước can thiệp. Việc định hướng, dẫn dắt thị trường là chức năng của cơ quan nhà nước với các cơ chế chính sách, quy định pháp luật. Nhà nước điều tiết nền kinh tế bằng chính sách kinh tế, ổn định vĩ mô bằng chính sách tài chính tiền tệ. Để đạt tiến bộ, công bằng xã hội, Nhà nước thực hiện các chính sách xã hội. Trên thực tế DNNN khó có thể hoàn thành cả hai nhiệm vụ nói trên.

Cạnh tranh bình đẳng với tư nhân

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định: “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp nhà nước”. Chủ yếu đó là hai nhiệm vụ.

Một là, thúc đẩy chuyển đổi sở hữu (“Đẩy mạnh chuyển đổi hầu hết các doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần”). Trong kinh tế thị trường, DNNN chỉ cần thiết ở những lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội là các lĩnh vựcđộc quyền tự nhiên (kết cấu hạ tầng) và an ninh, quốc phòng. Các doanh nghiệp sở hữu hỗn hợp chỉ nên được hình thành bằng cách tư nhân đầu tư vào DNNN; cần hạn chế đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp tư nhân.

Hai là, Đặt DNNN trong môi trường cạnh tranh bình đẳng với tư nhân (xóa bỏ chế độ chủ quản), cụ thể là thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước.

Chuyển đổi sở hữu triển khai đã gần 30 năm nhưng khung pháp luật vẫn chưa đầy đủ, chưa có luật chuyển đổi sở hữu với nội dung tối thiểu là xác định danh mục các lĩnh vực, các DNNN phải chuyển đổi sở hữu và hình thức chuyển đổi (bán, cho thuê, cổ phần hóa) và không được chuyển đổi sở hữu, thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục, việc sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu nhà nước.

Để đẩy nhanh tiến độ, nên giao cho một cơ quan thực hiện chức năng chuyển đổi sở hữu các DNNN, thay vì từng ngành và từng doanh nghiệp thực hiện như hiện nay (SCIC chỉ tiếp nhận DNNN sau khi cổ phần hóa).

Nên chia DNNN phải chuyển đổi sở hữu thành hai loại: Nhà nước nhất thiết phải nắm quyền kiểm soát (giữ cổ phần từ 50% trở lên); Nhà nước không cần nắm quyền kiểm soát, nhưng cần thoái vốn có lợi nhất về tài chính cho Nhà nước.

Lộ trình sẽ thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp này cần được xác định ngay trong phương án cổ phần hoá. Nếu Nhà nước muốn nắm giữ quyền kiểm soát thì cần giữ mức vốn cho phép kiểm soát theo quy định pháp luật, không nên phân loại cổ phiếu dành cho nhà đầu tư chiến lược, người lao động và Nhà nước (Luật doanh nghiệp không quy định như vậy).

Việc thoái vốn nhà nước nên thực hiện từng bước: Bán khoảng 5-10% cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược và 5-10% cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ; Nhà nước vẫn nắm giữ từ 80-90% cổ phần. Mục đích chính là chuyển các DNNN này thành các doanh nghiệp cổ phần. Với tỷ lệ cổ phần bán ra không nhiều trong lần đầu, giá trị của doanh nghiệp có thể chưa chính xác. Sau khi niêm yết, giá trị của doanh nghiệp sẽ do thị trường quyết định.

Việc mua bán thỏa thuận cho một hay một vài nhà đầu tư khó tránh khỏi việc trục lợi về giá, Chính phủ và bộ ngành không trực tiếp điều hành doanh nghiệp có vốn nhà nước,mà giao cho hội đồng quản trị quyết định thông qua người đại diện được bổ nhiệm.
Đất đai là một yếu tố ảnh hưởng lớn tới giá trị doanh nghiệp, dù là đất thuê của Nhà nước nhưng không nên cấm doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì mục đích của tái cơ cấu là để sử dụng tài nguyên, nguồn vốn hiệu quả hơn. Khi doanh nghiệp muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất thìphải xem xét phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

Ngoài yêu cầu về tư cách pháp nhân, có ngành nghề kinh doanh phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp khi phê duyệt kế hoạch chuyển đổi sở hữu và lượng vốn đủ lớn thì nhà đầu tư chiến lược không được là đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp chuyển đổi./.

 

Theo VOV

.