Tái cơ cấu công nghiệp: Công nghệ đóng vai trò quan trọng

Thứ Hai, 12/06/2017, 07:45 [GMT+7]

Công nghệ liên quan và quyết định đến tiêu chuẩn để có thể đánh giá được chất lượng sản phẩm cũng như đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu.
 
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đang có xu hướng chậm lại, từ trung bình 14,3%/năm của giai đoạn 2006 - 2010 giảm xuống 10%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và giảm hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp.

Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006 - 2015 khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%.
 

1
Tăng giá trị gia tăng sản phẩm trong nước góp phần phát triển công nghiệp bền vững. (Ảnh minh họa: TTXVN)


Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nguyên nhân cơ bản khiến tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp những năm gần đây có xu hướng chậm lại là do nền công nghiệp vẫn phát triển chủ yếu theo hướng gia công, lắp ráp.

Một số ngành công nghiệp còn phụ thuộc vào bên ngoài cho nên bất cứ một biến động nào đó của thị trường cũng sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp. Cá biệt có nhiều ngành công nghiệp cũng đã phát triển đến ngưỡng, muốn tăng thêm sẽ phải cần tăng thêm các yếu tố khác ngoài yếu tố về vốn và lao động như hiện nay.

Chính vì vậy, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cho rằng, việc tái cơ cấu công nghiệp thời gian tới của Việt Nam quan trọng nhất là làm sao để có thể làm tăng giá trị gia tăng sản phẩm trong nước, tăng năng suất lao động vào các ngành có lợi thế cạnh tranh hơn, đặc biệt cần thực hiện tốt mục tiêu phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân.

“Việt Nam có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp cũng như lợi thế phát triển các ngành có liên quan đến nông nghiệp như công nghiệp chế biến thực phẩm, nông thủy sản. Do đó, trong các định hướng tới đây, công nghiệp chế biến thực phẩm vẫn là ngành trọng tâm của việc cơ cấu lại nền kinh tế”, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh nhận định.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, để phát triển công nghiệp bền vững cần phải sử dụng lao động tạo hiệu quả, tăng được giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, trong đó công nghệ đóng vai trò quan trọng. Công nghệ liên quan và quyết định đến tiêu chuẩn để có thể đánh giá được chất lượng sản phẩm cũng như đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu.

Đối với các ngành công nghiệp phụ trợ, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cho rằng chỉ nên tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ cho một số ngành, lĩnh vực cụ thể, không nên dàn trải.

Cụ thể, Việt Nam chỉ nên đầu tư vào công nghiệp phụ trợ cho những ngành có quy mô kinh tế lớn như công nghiệp điện tử vì dung lượng thị trường khá lớn, hơn nữa các điều kiện để phát triển cũng gần như đầy đủ và chỉ thiếu một chút đó là năng lực của doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp của Việt Nam cần đáp ứng đủ điều kiện năng lực để tiếp thu được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.
 
Để là được điều này, Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, giúp họ có thể nâng cao năng lực của mình, cách tốt nhất là đào tạo hoặc xây dựng các tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu đưa ra.

Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách để các doanh nghiệp FDI có cam kết liên kết với doanh nghiệp trong nước trong quá trình đầu tư, vừa phát triển được sản phẩm của các doanh nghiệp này, đồng thời kéo theo được phát triển của các doanh nghiệp trong nước, chú trọng tăng tỷ lệ nội địa hóa trong từng sản phẩm./.

 

Theo VOV
 

.