Nhiều công trình đầu tư từ ngân sách đang khó khăn về vốn
Đại biểu Quốc hội kiến nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch, bố trí vốn để triển khai dứt điểm các công trình thi công dở dang.
Thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước tại Nghị trường mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nêu thực tế: Việc phân bổ nguồn vốn còn rất chậm nên nhiều công trình đầu tư từ ngân sách đang khó khăn về vốn, đặc biệt là các công trình đầu tư từ Trung ương.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc |
Để giải bài toán này, bà Phúc đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch, nhất là tiếp tục bố trí vốn để triển khai dứt điểm các công trình đang thi công dở dang ở các địa phương, sớm đưa vào khai thác và tránh lãng phí.
Đại biểu này dẫn chứng cụ thể: Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Bình Thuận đã qua 7-8 năm vẫn chưa được triển khai. Bộ Giao thông vận tải dự kiến triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 nhưng đến nay Quốc hội vẫn chưa phân bổ nguồn vốn trung hạn nên dự án vẫn còn trên giấy.
Phối cảnh dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (Ảnh: CAND) |
Bà Phúc còn cho biết thêm, năm 2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1942 về xây dựng 5 nhà máy xử lý nước thải đô thị tại thành phố Phan Thiết nhưng đến nay chỉ có 1 nhà máy được xây dựng còn 4 nhà máy đang chờ nguồn vốn Trung ương phân bổ.
Đề cập vấn đề tăng trưởng kinh tế hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng, nút thắt lớn nhất chủ yếu vẫn do tăng trưởng không tốt từ khu vực sản xuất, đặc biệt là khâu chế biến. Hiện tại, giá một số mặt hàng không ổn định như giá thịt lợn hơi, giá tiêu, giá trứng giảm mạnh gây thiệt hại lớn cho người sản xuất.
Đại biểu kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, theo bà Phúc, đây chỉ là giải pháp tức thời. Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn, tập trung vào công tác quy hoạch ngành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao…
Bà Phúc nhấn mạnh tới sự cần thiết phải đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã kiểu mới để thực hiện liên kết giữa nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và ngân hàng nhằm giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, phát triển nền nông nghiệp bền vững./.
Theo VOV