Hệ lụy từ giá lợn hơi giảm

Thứ Tư, 07/06/2017, 13:58 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong những tháng gần đây, giá lợn hơi liên tiếp giảm mạnh và không có chiều hướng tăng đây là một trong những vấn đề được mọi người rất quan tâm. Theo các hộ chăn nuôi cho biết với giá bán lợn hơi hiện nay thì mỗi con lợn xuất chuồng người nông dân sẽ phải chịu lỗ từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/con, đây không phải khó khăn riêng của người chăn nuôi mà đối với các công ty, đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong thu hồi vốn.

 

s
Với giá bán lợn hơi hiện nay thì mỗi con lợn xuất chuồng người nông dân sẽ phải chịu lỗ từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/con

 

Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, giảm khẩu phần ăn của đàn lợn, tự giết mổ đem ra chợ bán… đây là giải pháp tình thế mà người chăn nuôi đang cố gắng duy trì đàn lợn hoặc có thể thu lại một phần nào số vốn đã đầu tư vào chăn nuôi khi giá lợn hơi vẫn chưa có chiều hướng tăng trở lại.

Chị Lê Thị Thu - Đội 5, Xã Poom Lót, Huyện Điện Biên cho biết: Hiện tại giá lợn rất rẻ, gia đình tận dụng nguồn thức ăn có sẵn giảm thức ăn cho lợn, với giá lợn rẻ thế này gia đình em cũng không biết làm cách nào đành để lại đợi khi giá lợn tăng mới bán ra.

Hệ lụy của việc giá lợn hơi xuống thấp đã tác động trực tiếp đến công ty, đại lý buôn bán thức ăn chăn nuôi. Đã khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm lại khó khăn thu hồi nợ đọng. Tại công ty trách nhiệm hữu hạn 565 Điện Biên - Xã Thanh Hưng - Huyện Điện Biên trong những tháng qua doanh thu giảm đến 30% so với cùng kì năm trước.

 

s
Các công ty, đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong thu hồi vốn và bán sản phẩm ra ngoài

 

Ông Hà Văn Việt - Quản Lý công ty TNHH 565  Điện Biên, Xã Thanh Hưng, Huyện Điện Biên cho hay: Việc bà con hạn chế vào đàn cũng như số lợn trong chuồng chưa bán được đây là những khó khăn liên quan trực tiếp đến sản phẩm thức ăn chăn nuôi bán ra mà bà con có nhu cầu mua về giảm.  Do giá lợn liên tục giảm việc vào đàn của bà con hạn chế, có những hộ không vào đàn dẫn đến làm ăn của bà con khó khăn từ đó đơn vị thu hồi vốn và bán ra thức ăn chậm.

Ông Trần Hữu Thêm - Chủ đại lý thức ăn Thêm Mai, Xã Thanh Xương, Huyện Điện Biên cho biết: Ông mở đại lý này đã gần 20 năm nhưng chưa có năm nào việc buôn bán lại gặp nhiều khó khăn đến vậy. Hiện nay, ông đang phải vay vốn ngân hàng gần 1 tỉ đồng để duy trì việc kinh doanh. Nếu như trước đây, bình quân mỗi tháng đại lý của ông xuất ra từ 45 tấn đến 50 tấn thức ăn chăn nuôi thì nay sản lượng đã giảm đến 50%.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng trong thời điểm này các công ty, đại lý buôn bán thức ăn chăn nuôi vẫn đang nỗ lực chung tay cùng người chăn nuôi vượt qua khó khăn, tuy nhiên việc giảm giá thành sản phẩm hay tiếp tục cho người dân mua nợ để duy trì đàn lợn không phải là biện pháp lâu dài. Trước mắt cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi cũng như các cơ sở dịch vụ kinh doanh thức ăn chăn nuôi về lâu dài, cần tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi một cách ổn định, bền vững../.




Thu Nga - Quang Hùng

.