"Thuốc" cho doanh nghiệp nhà nước?

Thứ Sáu, 19/05/2017, 09:54 [GMT+7]

Rất khó tìm ra lời giải cho vấn đề đã tồn tại hàng chục năm nay của doanh nghiệp nhà nước, ngoại trừ quyết định cổ phần hóa...
 
Ưu ái vẫn không hiệu quả

Những năm gần đây, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thua lỗ đến mức báo động. Theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, năm 2015 tổng tài sản của các DNNN là hơn 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, nhưng tổng doanh thu của các DNNN chỉ đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng. Trong khi đó số nợ phải trả là 1,5 triệu tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần.
 

1
Đẩy mạnh cổ phần hóa sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.


Điển hình cho những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ này phải kể đến nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, nhà máy đạm Ninh Bình, Vinashin,… Không chỉ làm ăn kém hiệu quả, “ngập” trong thua lỗ, khối DNNN còn “tai tiếng” bởi những vụ án tham nhũng kinh tế lớn, phức tạp trong vòng 10 năm qua. Tiêu biểu là vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam; vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV vận tải Viễn Dương Vinashin... Hay gần đây nhất là vụ gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng trong vụ đại án Phạm Công Danh.

Lý giải về nguyên nhân thua lỗ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DNNN nhận được sự ưu ái về mọi mặt như: Nguồn vốn, tài nguyên, đất đai, tuyển dụng nhân lực, những đặc quyền từ cơ quan quản lý trực tiếp cho các doanh nghiệp của mình... Do DNNN không phải cạnh tranh công bằng với các thành phần kinh tế khác nên ít có sự sáng tạo, đổi mới để phát triển.

Bên cạnh đó, vấn đề về lợi ích đã hằn sâu trong nhận thức của những người quản lý ở DNNN. Đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương, nhiều cá nhân đang quản lý DNNN không muốn nhanh chóng cổ phần hóa vì động chạm đến lợi ích cá nhân của họ. Không ít người phụ trách quản lý DNNN đã cố tình níu kéo để lợi dụng chính sách nhằm trục lợi, làm giàu nhanh chóng từ cổ phần hay đất đai… Thậm chí, người đứng đầu DNNN còn cố ý buông lỏng quản lý, để làm ăn thua lỗ trước khi cổ phần hóa nhằm “hạ giá” tài sản Nhà nước trong doanh nghiệp, sau đó tìm cách mua bán, thâu tóm cổ phiếu, để người thân trong gia đình nắm vị trí quan trọng trong công ty… Có tình trạng thâu tóm doanh nghiệp với giá rẻ mạt qua giao dịch thỏa thuận, bày đặt đấu giá kiểu “diễn kịch”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, có khá nhiều ưu đãi cả trực tiếp và gián tiếp dành cho DNNN. Những lợi thế đặc quyền là động lực khiến DNNN níu kéo, chậm tái cơ cấu để hưởng những đặc quyền đó. Mặc dù pháp luật về cổ phần hóa DNNN không cấm thâu tóm cổ phần nhưng không có nghĩa mọi hành vi thâu tóm đều đúng luật. Nếu một cổ đông có được lượng cổ phần cực kỳ lớn nhưng bằng con đường công khai, minh bạch, bằng năng lực bản thân và khả năng kinh tế thật sự thì việc thâu tóm này hoàn toàn được chấp nhận. Tuy nhiên, không ít DNNN đã sử dụng kẽ hở của pháp luật, dùng quyền lực gây sức ép hoặc mua chuộc các cổ đông khác phải chuyển nhượng cổ phần… Điều này khiến tài sản của Nhà nước bị thất thoát, bốc hơi.

Cần giải pháp đồng bộ

Theo các chuyên gia, để DNNN phát triển đúng tầm thì cần một cuộc “cách mạng” triệt để và đồng bộ. Điều đầu tiên là giảm tỷ lệ nắm giữ vốn Nhà nước trong các DNNN, cần bổ sung và giám sát chặt quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Hiện nay, những vi phạm về cổ phần hóa DNNN được quy định lẻ tẻ tại các văn bản liên quan, ví dụ như Luật Chứng khoán, Luật Cạnh tranh và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực này. Cách quy định rải rác như vậy không thể hiện được tính nghiêm khắc của pháp luật và quyết tâm của Nhà nước trong xử lý vi phạm về cổ phần hóa DNNN.

Do đó, bên cạnh việc tăng mức độ nghiêm khắc của các chế tài xử lý lên gấp nhiều lần, cũng cần phải quy định tập trung trong văn bản pháp luật riêng biệt về cổ phần hóa DNNN. Phải có cơ chế kiểm soát thật chặt chẽ quá trình cổ phần hóa DNNN, như thành lập hẳn một Ban kiểm tra, giám sát. Nếu thực hiện được những điều trên, nguyên tắc công khai, minh bạch trong cổ phần hóa DNNN mới có thể được đảm bảo, góp phần kiểm soát được việc thâu tóm cổ phần, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, biến tài sản Nhà nước thành tài sản cá nhân, biến DNNN thành công ty gia đình một cách bất hợp pháp.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng, kẽ hở lớn nhất của cổ phần hóa là việc xác định giá trị doanh nghiệp không sát thực tế, dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước. Bán cổ phần thiếu sự công khai, minh bạch đã tạo kẽ hở cho một số cá nhân không chỉ tìm cách đánh giá thiếu khách quan giá trị thực của số tài sản hiện có đối với DNNN thuộc diện cổ phần hóa theo hướng có lợi cho mình mà còn tìm mọi cách để thôn tính dần số cổ phiếu của cổ đông là Nhà nước, mua gom số cổ phiếu khác dưới nhiều thủ đoạn rất tinh vi nhằm thâu tóm quyền lực.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, DNNN đã làm xong nhiệm vụ của mình, đã đến lúc cần trao quyền cho doanh nghiệp tư nhân. Kinh tế tư nhân là động lực chính của nền kinh tế thị trường, nền kinh tế thị trường không thể phát triển được nếu không có kinh tế tư nhân. Doanh nghiệp có vốn Nhà nước cũng có vai trò của mình, nhưng cần giảm thiểu vị trí chủ đạo. “Nhiều nước ở Đông Nam Á, các DNNN thường ở các lĩnh vực không thể giao cho tư nhân được, chẳng hạn như quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội - những lĩnh vực mà chính phủ phải nắm quyền quản lý chủ đạo. Tất cả lĩnh vực khác, cái nào giao cho tư nhân được, kể cả hàng không, dầu khí, điện lực, thực phẩm, phương tiện đời sống… nếu họ đảm nhiệm được thì giao cho họ. Ngay cả ngân hàng cũng vậy, có lẽ vai trò của Nhà nước cũng nên giảm thiểu để đưa ngành này vào quỹ đạo của nền kinh tế thị trường”, ông Hiếu khẳng định.

Mới đây, Thủ tướng chính phủ đã có chỉ thị số 14/CT-TTg tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN. Trong đó, chỉ thị nhấn mạnh không sử dụng ngân sách Nhà nước hỗ trợ DNNN thua lỗ, theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Cùng với đó, thực hiện chuyển giao vốn cổ phần hóa về Trung ương theo Luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước.

Như vậy, nếu việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp diễn ra nhanh và đúng lộ trình, thì sau khi cổ phần hóa, tài sản và hiệu quả kinh doanh sẽ được Hội đồng cổ đông giám sát thay vì chỉ mình DNNN thực hiện như trước đây . Có như vậy mới hạn chế được tình trạng, lãng phí, thất thoát, tham nhũng và thua lỗ như hiện nay.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần nhiều giải pháp đồng bộ và cũng còn nhiều việc phải làm. Điều này một lần nữa được Chính phủ khẳng định rõ tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp lần thứ hai năm 2017. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ đã nỗ lực và quyết tâm trong việc xây dựng một chính phủ hành động, luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng và thịnh vượng. Tuy đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp”./.

Các giải pháp cho doanh nghiệp Nhà nước
Trước thực trạng yếu kém, thua lỗ của các DNNN, tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu một số giải pháp: Hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Kiên quyết đấu tranh và có biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN móc ngoặc với cán bộ, công chức Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau” thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và  doanh nghiệp.
Người đứng đầu DNNN chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật và Nhà nước về toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.
Ban kiểm soát, kiểm soát viên phải thực sự là công cụ giám sát hữu hiệu của chủ sở hữu, hoạt động độc lập và không chịu sự chi phối vô lý nào về lợi ích của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị và ban điều hành của DN.
Thực hiện rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí việc làm khác trong DNNN.

 

Theo VOV

.