Nuôi chồn hương chi phí thấp, lợi nhuận cao
Từ 6 con chồn hương ban đầu, đến nay ông Tuấn đã có trang trại hơn 50 con, cho thu nhập ổn định mỗi năm hơn 100 triệu đồng.
Đến tham quan khu nuôi chồn hương của gia đình ông Nguyễn Phước Tuấn (45 tuổi, ở thôn Châu Lâm, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy mô hình nuôi chồn hương khép kín ngay tại khu dân cư.
Ông Tuấn kể, năm 2011 một lần tình cờ xem được chương trình giới thiệu về mô hình chăn nuôi chồn hương của ông Hồ Duy Trung (Quảng Ngãi), ông đã rất thích thú vì nhận thấy loài chồn hương dễ nuôi mà lợi ích kinh tế mang lại rất cao. “Để có tiền mua con giống, tôi vay mượn ngân hàng hơn 20 triệu đồng rồi bắt xe vào Quảng Ngãi mua 6 con chồn hương (4 con cái, 2 con đực) về nuôi thử nghiệm”, ông Tuấn nói về cơ duyên.
Ông Nguyễn Phước Tuấn chơi đùa với chồn hương. |
Ông Tuấn dẫn chúng tôi tham quan khu vực chuồng trại nuôi chồn hương nằm ở phía sau nhà với diện tích gần 100 m2. Mỗi kiểu chuồng đều được ông thiết kế phù hợp với từng thời kỳ phát triển của chồn.
“Loài chồn này chưa thể thuần chủng được nên vẫn giữ bản tính hoang dã rất dữ, nếu nhốt chung chúng sẽ cắn nhau đến chết, vì vậy phải xây từng ô để nuôi riêng. Sau 2 năm chăm sóc, 6 con chồn hương đã sinh lứa đầu tiên với 14 con chồn con”, ông Tuấn chia sẻ và cho biết hiện “trang trại” gia đình của ông có trên 50 con chồn hương, trong đó 18 con chồn cái đang trong thời kỳ sinh sản. Sắp tới, ông sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại lẫn số lượng chồn hương.
Cũng theo ông Tuấn, để nhận biết một con chồn cái mang thai hay không thì rất dễ, vì mỗi khi giao phối, chúng thường tạo ra một mùi thơm rất đặc biệt. Chồn đến thời kỳ sinh sản sẽ được tách ra để tiện chăm sóc.
Muốn nuôi được một con chồn cái sinh sản, người nuôi phải chú ý không để chồn quá mập. Chuồng trại phải được xây dựng rộng rãi, sạch sẽ để chồn có không gian vận động, có như vậy chồn mới sinh sản nhanh.
“Thường người nuôi không để ý đến những điều này nên nuôi không đạt hiệu quả, chồn cũng không sinh sản được”, ông Tuấn nói và chia sẻ thêm chồn hương có đặc tính ăn đêm ngủ ngày, chúng thường ăn vào khoảng 18 - 19 giờ, thức ăn chủ yếu vào ban đêm vẫn là cháo trắng và chuối.
“Chồn ăn cháo không cần uống nước, phân chồn không hôi nên có thể nuôi trong khu dân cư đông người mà không sợ bị ô nhiễm. Để nuôi thành công loài động vật này thì người nuôi phải kiên trì, nhẫn nại”, ông Tuấn cười bảo.
Với 50 con chồn hiện tại, một ngày chúng ăn hết khoảng 70.000 đồng tiền thức ăn. Mỗi năm chồn hương sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 3 - 5 con. Chồn nuôi trong vòng 10 tháng đạt trọng lượng từ 3 - 4 kg/con, giá bán 1,3 triệu đồng/kg.
“Nuôi chồn vốn ít nhưng lợi nhuận mang lại rất cao. Muốn nuôi thành công thì cần hạn chế người ngoài tiếp xúc với nó. Nếu biết cách chăm sóc thì chỉ cần 10 con chồn giống là mỗi năm có thể thu được cả 100 triệu đồng”, ông Tuấn khẳng định.
Với 6 năm kinh nghiệm gắn bó cùng những chú chồn hương, ông Tuấn chia sẻ kinh nghiệm: “Chồn hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt, hôi hám. Chồn ăn tạp, dễ nuôi, sức đề kháng tốt nên rất ít dịch bệnh. Vào mùa nắng phải tưới nước làm mát mái chuồng trại vì chồn ưa lạnh chứ không chịu được nóng.
Trong quá trình nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh, phải thay nước uống thường xuyên. Nếu chồn bị tiêu chảy thì rất khó chữa trị, phải cho chồn uống thuốc phòng ngừa bệnh tiêu chảy ngay từ đầu”./.
Theo VOV