Na Tông với công tác xóa đói giảm nghèo

Thứ Sáu, 12/05/2017, 15:18 [GMT+7]

Điện Biên TV - Kể từ khi chia tách, thành lập,  xã Na Tông đã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi, trồng trọt để  giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Được chia tách, thành lập theo nghị quyết số 45 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của xã Mường Nhà. Bước đầu thành lập, Na Tông gặp khá nhiều khó khăn bởi tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, dẫn đến việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt chưa thực sự mang lại hiệu quả. Chính vì vậy, làm sao để phát huy nội lực của địa phương để xóa được đói, giảm được nghèo luôn là trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã Na Tông.

1
Xã Na Tông đã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi, trồng trọt để  giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

 

Trên cơ sở các cuộc họp tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm giữa thường trực 3 bên và các đoàn thể, xã đã đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế như: Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi; tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất.

Xã còn quan tâm tới việc khai thác có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước. Vận động nhân dân tập trung sản xuất lúa đối với các bản vùng thấp; phát triển chăn nuôi đàn gia súc ở các bản vùng cao, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội.
 
Để đảm bảo an ninh lương thực cũng như từng bước trở thành hàng hóa để người dân có thể thu nhập. Xã  Na Tông huyện Điện Biên đã đẩy mạnh vận động nhân dân khai hoang, mở rộng diện tích gieo cấy lúa 2 vụ.

Năm 2013 khi mới chia tách thành lập cả xã mới chỉ có 36 ha diện tích lúa có thể gieo cấy 2 vụ thì đến nay con số này đã tăng lên gần 60 ha. Diện tích tăng kéo theo năng suất, sản lượng cây trồng cũng tăng lên đáng kể. Từ 40 tạ/ha giờ đây năng suất lúa trên địa bàn xã đã đạt 55 tạ/ha.

Hệ thống kênh mương nội đồng xã Na Tông đã hoàn thiện được 50% khối lượng công trình
Hệ thống kênh mương nội đồng xã Na Tông đã được đầu tư đã tăng diện tích gieo cấy 2 vụ

 

Ngoài ra, xã cũng tích cực vận động nhân dân tận dụng các diện tích bãi bồi đầu tư trồng ngô, sắn, đậu tương. Với diện tích ngô cả năm của xã trên 510 ha, năng suất đạt 50 – 55 tạ/ha; trên 170 ha sắn cao sản năng suất đạt trên 90 tạ/ha, bình quân lương thực đầu người đạt gần 960kg/người/năm. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi xã cũng tích cực vận động các hộ dân trong xã phát huy nội lực để vươn lên phát triển kinh tế. Sử dụng hiệu quả các nguồn vay từ ngân hàng chính sách xã hội qua ủy thác từ các đoàn thể để tái đầu tư phát triển sản xuất.
 
Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Diện mạo xã Na Tông đã có những chuyển biến rõ nét, hạ tầng cơ sở được đầu tư khang trang, đời sống nhân dân ngày một cải thiện và nâng lên, con em được đến trường, đến lớp, giao thông liên bản được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân buôn bán, trao đổi hàng hóa, nông sản sau thu hoạch… Đây chính là động lực để xã Na Tông tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

1
Hiệu quả kinh tế thu được từ cây Dong riềng ở xã Na Tông huyện Điện Biên đã và đang góp phần nâng cao đời sống người dân

 
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống 56,3% theo chuẩn nghèo đa chiều, giảm gần 3% so với năm 2015. Tuy nhiên, để Na Tông có nhiều bứt phá hơn trong quá trình phát triển kinh tế thì cần phải có sự quan tâm đầu tư đồng bộ của Nhà nước cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật mà trực tiếp cầm tay chỉ việc cho người nông dân. Bên cạnh đó, mỗi người dân phải có ý thức nỗ lực vươn lên bằng chính quyết tâm và nỗ lực của mình để có thể giảm nghèo bền vững./.
 

 

Anh Thu – Đức Trung

 

.