Kinh tế thị trường

Hoàn thiện thể chế kinh tế là yêu cầu cấp bách

Thứ Sáu, 05/05/2017, 08:22 [GMT+7]

Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là yêu cầu cấp bách tránh nguy cơ Việt Nam tụt hậu xa so với thế giới.
 
Sau hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta đã từng bước hình thành và phát triển, thể chế kinh tế luôn được quan tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện. Trong giai đoạn hiện nay, tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN là yêu cầu cấp bách để khắc phục những hạn chế của nền kinh tế, tránh nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
 

1
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là yêu cầu cấp bách.


Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong đổi mới

Kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta. Đó là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời đảm bảo định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Theo đó, thể chế KTTT định hướng XHCN được hiểu là tổng thể đường lối, chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật, chính sách, các quy tắc, quy chế mà Đảng, Nhà nước ban hành nhằm đảm bảo sự phát triển đất nước theo đúng mục tiêu định hướng XHCN đã lựa chọn.

Từ Đại hội VI của Đảng năm 1986, Đảng và Nhà nước đã chú trọng nghiên cứu, đổi mới nhận thức, lý luận, có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN; luôn coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Tư tưởng, đường lối phát triển KTTT định hướng XHCN đã từng bước được thể chế hoá thành pháp luật, cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn.

Nhờ đó, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế được duy trì hợp lý. Đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình; Môi trường đầu tư được cải thiện, đa dạng hóa được nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển.

Các hình thức sở hữu, thành phần kinh tế và chế độ phân phối phát triển đa dạng, từng bước tuân thủ các quy luật của KTTT phù hợp với điều kiện của đất nước; Các yếu tố thị trường và các loại thị trường đang hình thành, phát triển, có sự gắn kết thị trường trong nước với thị trường khu vực và quốc tế; Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đồng thời, vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế-xã hội. Tăng trưởng kinh tế cơ bản đã gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội.

Những kết quả to lớn về kinh tế -xã hội đạt được trong hơn 30 năm đổi mới là nhờ có những cải cách thể chế kinh tế quan trọng. GS Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam nhận định, đó là kết quả của quá trình đổi mới về tư duy kinh tế, chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Trong đó, phải kể đến những nỗ lực từng bước hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, sửa đổi 3 lần Hiến pháp, ngày càng đi vào thiết kế hệ thống, lớp lang hơn. “Tôi cho đó là quá trình đi vào chiều sâu của sự phát triển, từ chỗ dễ dàng hóa cho nền kinh tế thành một nền kinh tế ngày càng được thiết kế hệ thống hơn, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển nội tại cũng như yêu cầu của hội nhập quốc tế”, GS Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh.

Nguy cơ tụt hậu xa hơn các nước về kinh tế

Bên cạnh những kết quả nổi bật, nền kinh tế nước ta cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, đòi hỏi có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn. Nền kinh tế nước ta chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu; phát triển thiếu bền vững.

PGS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích, nền kinh tế nước ta có quy mô nhỏ, GDP chưa đến 200 tỷ USD/năm, thu nhập trung bình đầu người đạt hơn 2000 USD/năm, chỉ ở mức trung bình – thấp so với thế giới. Năng lực cạnh tranh kém, năng suất lao động còn rất thấp, cho nên nguy cơ mà Đảng đã nêu ra từ năm 1994 là nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước về kinh tế cho đến nay vẫn còn tồn tại.
 
“Vì vậy phải tập trung tìm giải pháp làm cho đất nước phát triển nhanh hơn về kinh tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế để tạo ra sự bứt phá, vượt khỏi tình trạng tụt hậu xa hơn so với các nước”, PGS Nguyễn Trọng Phúc nhìn nhận.

Những hạn chế như ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, hạ tầng cơ sở còn nhiều bất cập, khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn yếu kém, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn nhỏ bé, manh mún, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, nợ công trong hệ thống tài chính công… đang cản trở sự tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

GS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá: “Trong trung và dài hạn, những điểm nghẽn mới của nền kinh tế ngày càng nổi cộm, như năng lực hấp thụ, áp dụng và bước đầu sáng tạo công nghệ cũng như các phương pháp quản lý, kinh doanh mới của doanh nghiệp; những bất cập của quá trình đô thị hóa; bất bình đẳng có xu hướng gia tăng, tạo ra những rủi ro về ổn định xã hội có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng dài hạn…”.

Thực trạng trên đòi hòi cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm tiếp theo./.

 

Theo VOV

.