Kiểm soát lạm phát: Thận trọng với kịch bản tăng giá điện

Thứ Ba, 16/05/2017, 08:00 [GMT+7]

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, tăng giá điện sẽ là một nhân tố tác động làm tăng lạm phát.

Ngành điện đang đứng trước áp lực tăng giá nhằm cân đối chi phí cũng như có nguồn vốn để phát triển nguồn và lưới điện. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, tăng giá điện sẽ là một nhân tố tác động làm tăng lạm phát.
 

1
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, tăng giá điện sẽ là một nhân tố tác động làm tăng lạm phát.


Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ năm 2015 đến nay,  một số chi phí đầu vào của sản xuất điện tăng liên tục nhưng chưa được cân đối trong giá điện. Cụ thể: Giá than cho điện tăng 7% từ cuối năm 2016 làm chi phí sản xuất điện đội lên hơn 4.692 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tăng trưởng tiêu thụ điện đang ở mức 12 - 13%/năm nên áp lực đầu tư cho ngành điện rất lớn.

Trong khi đó, đến năm 2020, tổng công suất của các nhà máy điện phải đạt 60.000 MW, do đó, ngành điện cần đưa thêm vào 21.650 MW. Như vậy, số tiền đầu tư cho các nhà máy điện trong 5 năm tới sẽ lên tới gần 30 tỷ USD. Nếu tính thêm việc xây dựng các nhà máy điện, hệ thống lưới điện truyền tải, tổng số tiền cần đầu tư là 40 tỷ USD.

Tuy nhiên, với giá điện hiện nay thấp không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư, khiến việc thu hút được 70% nguồn vốn từ tư nhân như dự kiến trở nên khó khăn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các yếu tố tác động đến đầu vào của ngành điện đang gây áp lực tăng giá điện trong năm nay. Điện là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và tiêu dùng, nên việc tăng giá điện sẽ tác động đến mặt bằng giá nói chung và tăng trưởng kinh tế nói riêng.

Ông Hồ Xuân Tư, Giám đốc Nhà máy, Công ty Cổ Phần sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Bao Bì Thăng Long cho biết,hầu hết các máy của công ty là máy sinh nhiệt nên mức tiêu thụ điện khá cao. Chỉ cần giá điện tăng là lập tức giá thành sản phẩm tăng lên rất nhiều. Với điều kiện tăng giá thành sản phẩm như vậy, tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường cũng bị giảm đi, công ty sẽ phải cải tiến rất nhiều.

Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện nay việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý bao gồm giáo dục và y tế chiếm tỷ trọng lớn trong tốc độ tăng mặt bằng giá. Việc tiếp tục điều chỉnh tăng giá điện sẽ gây áp lực không nhỏ trong kiểm soát lạm phát năm nay.

Nhìn lại 10 năm qua, giá điện bán lẻ ở Việt Nam đã tăng 10 lần. Lần gần đây nhất, giá điện tăng 7,5% vào năm 2015. Khi đó, Bộ Công Thương đã ước tính mức tác động tới lạm phát là từ 0,18 đến 0,23%. Đây là năm lạm phát cũng tăng thấp kỷ lục trong 15 năm là 0,6%. Trong bối cảnh của năm nay, dù lạm phát vẫn đang được kiểm soát, nhưng hiện vẫn có nhiều yếu tố tác động đến lạm phát, chắc chắc các kịch bản giá điện tới đây cần phải xem xét cực kỳ thận trọng.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói: “Về giá điện, chúng tôi đã tính toán tăng 5% hay 7% sẽ ảnh hưởng đến CPI như thế nào, từ đó có tham vấn cho Chính phủ và trao đổi với các bộ ngành để có 1 kế hoạch cụ thể.”

Liên quan đến kịch bản giá điện năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công Thương hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thiện báo cáo tổng thể tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí, giá thành và giá bán điện năm 2016 và kế hoạch năm 2017. Từ đó, đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017.

Theo các quy định hiện hành, mức tăng giá điện dựa vào 3 tiêu chí là giá nhiên liệu đầu vào như giá than, giá khí... cơ cấu nguồn điện và tỷ giá. Các kịch bản giá điện được đưa ra tương ứng với chi phí đầu vào, sau đó mới tính toán mức tác động lên lạm phát, GDP... ./.

 

Theo VOV

.