Khủng hoảng giá heo: Ai đang hưởng lợi?
Khủng hoảng giá heo kéo dài nhiều tháng nay, người chăn nuôi vẫn đang khốn đốn với hàng triệu con heo không thể bán được dù đã đến ngày xuất chuồng.
Điều đáng nói là dù giá heo hơi đã giảm rất sâu, nhưng giá bán thịt đến tay người tiêu dùng chỉ là giảm không đáng kể. Dường như vai trò của các quy luật thị trường không có tác dụng. Vậy ai là người đang được hưởng lợi tự nghích lý nói trên?
Giá heo đang trong thời kỳ khủng hoảng (Ảnh minh họa: KT) |
Chiều 3/5, tại các chợ ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, giá thịt heo đã bắt đầu giảm, đây được cho là hiệu ứng từ việc Đồng Nai mở các quầy bán thịt heo bình ổn từ ngày 30/4 nhằm hỗ trợ phần nào cho người chăn nuôi đang rất khó khăn. Đồng thời, giá heo hơi cũng có xu hướng nhích lên, hiện đã đạt từ 28.000 đến 30.000 đồng/kg đối với heo loại 1. Tuy nhiên, cần khẳng định lại là với mức giá này thì người chăn nuôi vẫn lỗ.
Giá heo tại cửa chuồng giảm mạnh đã nửa năm nay. Vậy lý do gì mà tới bây giờ giá bán lẻ mới bắt đầu giảm xuống, và việc giảm giá cũng còn khá nhỏ giọt, chưa tương xứng với mức giá thu mua? Ai là người được hưởng lợi từ chênh lệch giá vô lý này?
Theo ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, khâu trung gian hưởng lợi nhiều nhất, còn người thiệt hại vẫn là người chăn nuôi.
Nếu thương lái mua heo tại trại với giá 24.000 đồng/kg, sau khi qua các khâu vận chuyển, giết mổ, phân phối tới tiểu thương, hộ kinh doanh thịt rồi bán lẻ đến tay người tiêu dùng thì mức giá trên đã bị đẩy lên đến 80.000 đồng/kg.
Ông Phan Minh Báu khẳng định: Mỗi kg thịt heo bán ra, các khâu trung gian đang thu lợi từ 44.000 đến 64.000 đồng. Một con số lãi “khủng” mà cuối cùng người chăn nuôi đã lỗ, người tiêu dùng cũng chẳng hề được lợi.
Trong khi việc sản xuất, cung cấp sản lượng thịt heo là việc của ngành Chăn nuôi, thì ngành Công thương có vai trò trong việc điều tiết lưu thông, phân phối. Đại diện ngành Công thương Đồng Nai thừa nhận, khủng hoảng giá heo vừa qua là một cú sốc, là một bài học đắt giá trong điều tiết vĩ mô, quy hoạch, định hướng thị trường.
Ông Phan Văn Dân, người phát ngôn Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết: Đây là một cú sốc, cú sốc cho ngành chăn nuôi, dẫn đến thiệt hại chính cho người nông dân. Đây cũng là bài học đắt giá trong điều tiết vĩ mô, trong công tác quy hoạch, định hướng thị trường. Những nhà quản lý vĩ mô phải suy nghĩ, tổ chức lại sản xuất để đảm bảo cho quy mô chăn nuôi heo trên địa bàn đi vào ổn định.
Tuy nhiên, ông Dân vẫn tự tin cho rằng, khủng hoảng giá heo hiện nay sẽ nhanh chóng kết thúc khi tổng đàn sẽ giảm, quy mô sẽ thu hẹp, những trường hợp sản xuất không hiệu quả sẽ bị thanh lọc, một chu kỳ giá mới theo chiều hướng tích cực sẽ sớm trở lại.
Về lâu dài, Sở Công thương Đồng Nai đề ra 4 giải pháp dài hơi để cải tổ ngành chăn nuôi của tỉnh này. Theo đó, phải tái cơ cấu lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị từ chăn nuôi, phân phối tới bán ra thị trường tiêu dùng. Bởi trước đây, chăn nuôi Đồng Nai hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm, dễ bị thương lái ép giá. Nếu xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, thì những chênh lệch vô lý sẽ bị triệt tiêu. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước cũng thuận lợi trong việc kiểm soát, điều tiết giá theo các quy luật thị trường chứ không thả nổi như hiện nay.
Thói quen tiêu dùng cũng cần phải thay đổi mà điển hình là thói quen dùng thịt nóng của người Việt Nam, nếu như chúng ta chấp nhận các sản phẩm từ thịt chế biến sâu, có hạn sử dụng dài như xúc xích, thịt xông khói, thịt muối…; kết hợp với phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng các hệ thống dự trữ thì có lẽ khủng hoảng thừa, khủng hoảng giá cũng sẽ không đến mức trầm trọng như hiện nay./.
Theo VOV