Đầu tư BOT: Dân bị thu phí oan, trách nhiệm của Bộ GTVT ở đâu?
Đến nay rất nhiều bất cập và hệ lụy từ các dự án BOT, nhất là tước quyền lựa chọn và không đi cũng phải đóng phí đã và đang khiến dư luận bất bình.
Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cách đó 50km. |
Hàng loạt dự án BOT đã góp phần thay đổi diện mạo giao thông đường bộ ở Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực này đã bộc lộ không ít tồn tại, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - Nhà đầu tư - Người sử dụng.
Sau nhiều đợt phản đối của người dân về trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy 1 thu phí cho đường tránh Thành phố Vinh là bất hợp lý, Bộ GTVT đã đề xuất giảm 50% giá vé nhưng người dân không đồng ý và cuối cùng Bộ GTVT đành quyết định miễn phí cho người dân ở các khu vực lân cận cầu Bến Thủy. Đây được xem là động thái tích cực của Bộ GTVT nhưng cũng đặt ra một dấu hỏi lớn về trách nhiệm của Bộ này khi cho phép nhà đầu tư thu phí bất hợp lý một thời gian dài theo kiểu “vô thưởng, vô phạt”.
Trạm thu phí cầu Bến Thủy cuối cùng cũng phải miễn phí cho người dân hai đầu cầu vì lý do người dân đưa ra là họ không đi nên không thể đóng phí |
.
Mới đây, từ ngày 1/5/2017 Bộ GTVT lại có quyết định miễn 100% phí qua trạm Cầu Rác (đặt trên QL1 để thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh TP. Hà Tĩnh) cho người dân hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh.
Câu chuyện này lẽ ra phải khác, không phải chờ đến lúc người dân bỏ việc, tụ tập phản đối quyết liệt thì nhà đầu tư, Bộ GTVT mới có động thái miễn phí cho người dân của các huyện lân cận trạm thu phí này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì người dân phản đối hoàn toàn có căn cứ bởi đường tránh TP. Vinh đầu tư theo hình thức BOT, cách trạm thu phí Bến Thủy 1 hơn 3km và người dân hoàn toàn không đi đường này vẫn bị thu phí một thời gian dài.
Theo lý giải của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) – chủ đầu tư của dự án này cho rằng, đó chỉ là do người dân đang hiểu chưa đầy đủ về dự án này mà thôi.
“Đầu tư đường mới mà anh không đi đường mới, các phương tiện khác đi đường mới mà mình đi đường cũ thì mình cũng được hưởng lợi ích vì mình được đi thông thoáng hơn, an toàn hơn, nhanh hơn, rất nhiều thứ mà chỉ nói chuyện đi qua hay không đi qua thì việc đó chỉ mới nhìn một mặt chưa phù hợp của quy định đưa ra thôi”, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh – Tổng Giám đốc Cienco4 nói.
TS Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Lẽ ra, trước khi thực hiện hợp đồng dự án doanh nghiệp nên “kín kẽ”, hỏi ý kiến tìm sự đồng thuận với người dân hơn. |
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh cho rằng, “Sau vụ “lùm xùm” thu phí này, nhiều người xem nhà đầu tư BOT chúng tôi như “tội đồ”, thì chúng tôi nghĩ không hoàn toàn như thế. Đáng lẽ những doanh nghiệp như chúng tôi thì nên biểu dương, vì trong một giai đoạn lịch sử mà nhà nước không đủ nguồn lực đề đầu tư thì chúng tôi đã đi đầu, còn những gì bất cập là do lỗi hệ thống của ta, không phải lỗi của doanh nghiệp và người dân có quyền đề xuất các nguyện vọng chính đáng”.
TS Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của các doanh nghiệp tham gia BOT hiện nay. Tuy nhiên lẽ ra, trước khi thực hiện hợp đồng dự án doanh nghiệp nên “kín kẽ”, hỏi ý kiến tìm sự đồng thuận với người dân hơn.
“Tôi thực sự chia sẻ với các nhà đầu tư. Tôi cũng khẳng định rằng, lợi ích BOT là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, có thể khẳng định, việc đặt các trục BOT có cái không phù hợp. Nếu đặt vào đường khu đông dân cư thì khiến dân rất bức xúc, cái đó là không nên. Khi làm, anh không tự mình giải thích những cái lợi cho dân, thì người dân sẽ bức xúc. Nếu lấy ý kiến, cho bà con đề xuất thì đã khác. Tôi cho rằng những bất cập ở trạm thu phí bắt đầu phải từ chính doanh nghiệp. Không phải vì doanh nghiệp làm sai pháp luật mà vì doanh nghiệp làm chưa kín kẽ".
Đến nay, dù rất nhiều bất cập và hệ lụy từ các dự án BOT, nhất là tước quyền lựa chọn và không đi cũng phải đóng phí đã và đang khiến dư luận bất bình. |
Trước chất vấn về trách nhiệm của Bộ GTVT trước những dự án BOT mà dân không đi cũng phải nộp phí, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng trước khi đầu tư dự án BOT nào cũng có ý kiến đồng thuận của địa phương và nếu xảy ra sự phản ứng thì sẽ xem xét lại chính sách miễn giảm phí dịch vụ cho dân.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, sau khi có giá trị quyết toán các dự án BOT thì Bộ GTVT sẽ công khai, minh bạch đối với tất cả các dự án đó lên các phương tiện thông tin đại chúng về cái thời gian thu phí hoàn vốn, để cho các nhà đầu tư, người dân biết để giám sát, đánh giá minh bạch trong quá trình thực hiện dự án.
“Vừa rồi chúng tôi đã tiếp nhận được các đề xuất của địa phương về việc giảm giá tối đa cho các đối tượng đó, hiện nay Bộ đang tập hợp lại và để có kết nối chung với tinh thần nếu thực hiện việc giảm đó thì chúng ta phải điều chỉnh thời gian thu phí cho nhà đầu tư cũng như thống nhất với các ngân hàng cho vay vốn thì chúng tôi cũng cố gắng đáp ứng tối đa nguyện vọng cho người dân trên tinh thần đề xuất của các địa phương”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Đến nay, dù rất nhiều bất cập và hệ lụy từ các dự án BOT, nhất là tước quyền lựa chọn và không đi cũng phải đóng phí đã và đang khiến dư luận bất bình. Thế nhưng, chưa thấy bất cứ ai chịu trách nhiệm về các dự án BOT, nhất là trách nhiệm của Bộ GTVT, bởi Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Một dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân thì chắc chắn không thể điều hành quản lý theo kiểu lập trạm thu phí tràn lan và dân phản ứng thì lại giảm phí, miễn phí theo kiểu “ăn xổi, ở thì”…/.
Theo VOV