Ở thủ phủ nuôi lợn miền Bắc: Giá lợn hơi rẻ ngang khoai lang

Thứ Sáu, 21/04/2017, 17:21 [GMT+7]

Tại xã Ngọc Lũ – “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, giá lợn hơi xuống kịch sàn, chỉ 25.000 đồng/kg, rẻ ngang khoai lang.
 
Dân lao đao vì lợn

Nhiều hộ dân ở xã Ngọc Lũ – thủ phủ nuôi lợn lớn nhất miền Bắc – đang lao đao vì lợn ế, lợn rẻ do thương lái Trung Quốc bỗng dưng ngừng nhập hàng, thị trường ảm đạm. Người chăn nuôi cho biết, giá lợn thịt đang ở mức rẻ nhất trong lịch sử nuôi lợn từ trước đến giờ, chỉ 25.000 đồng/kg. Dân nuôi lợn đang phải vật lộn từng ngày với đàn lợn lên đến cả ngàn con/hộ.
 

1
Dân nuôi lợn xã Ngọc Lũ đang phải vật lộn từng ngày với đàn lợn lên đến cả ngàn con/hộ.


Trước đây lợn cũng có những đợt giảm giá, nhưng giá giảm sau đó sớm tăng trở lại, không phải luôn ở “đáy” trong  suốt nửa năm như lần này. Thế nên người chăn nuôi hiện nay đang dốc toàn bộ vốn liếng để cầm cự, thậm chí có người còn phải đi cầm cố cả sổ đỏ để có tiền mua thức ăn cho lợn, chờ ngày giá  lợn khởi sắc.

Người chăn nuôi đợi mãi mà không thấy giá tăng, trong khi lợn không thể ngừng cho ăn, càng cho ăn lợn càng lớn, mà càng lớn thì càng lỗ nặng. Nhiều hộ dân đã phải giảm bữa ăn của lợn xuống còn 1 bữa/ngày.

Không chỉ người chăn nuôi lợn điêu đứng, mà đại lý cám cũng đang rất lo lắng. Thông thường, đại lý xuất cám theo kiểu “bao dân”, khi nào bán được lợn thì trả tiền. Tuy nhiên, giờ nhiều hộ dân đã không còn khả năng trả nợ, đại lý cũng phải huy động vốn ở các nguồn khác nhau để nhập cám. Đến nay nhiều đại lý phải đóng cửa vì không còn tiền để mua cám cung cấp cho các “thượng đế”, không thể thu hồi được vốn.

Giải pháp nào “cứu” ngành chăn nuôi?

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về một số giải pháp "cứu" ngành chăn nuôi lợn.
 

1
Giá lợn hơi xuống kịch sàn, chỉ 25.000 đồng/kg


Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ NN&PTNT cho biết, do cung vượt cầu nên giá thịt lợn trong dân vẫn tiếp tục giảm mạnh. Tại thời điểm này, giá chỉ còn 25.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nơi xuống 20.000 đồng/kg. Nhiều trang trại, hộ chăn nuôi bên bờ vực phá sản. Trong khi đó, chăn nuôi lợn hiện chiếm tỷ trọng đến 70% của toàn ngành chăn nuôi.

Nhằm từng bước ổn định và phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngân hàng và tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến và tiêu thụ nhiều thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội… tăng cường thu mua giết mổ cấp đông đối với thịt lợn, thịt gia cầm trong các tháng mùa hè sắp tới.

Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt và phụ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh, nguy cơ thực phẩm bẩn quay trở lại thị trường nội địa và gây xuống cấp hạ tầng giao thông do khối lượng lớn.
Về trước mắt, Bộ NN& PTNT kiến nghị Thủ tướng giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Ngoại giao đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường cho sản phẩm chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn ở cả khu vực biên mậu và chính ngạch.

Về lâu dài, cần triển khai các biện pháp tổng thể, trong đó có giải pháp áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước có tiềm năng./.

 

Theo VOV

.