Nợ xấu thực tế có thể lớn gấp ba lần số liệu báo cáo?
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ.
Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ về Dự án Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, trong đó có đánh giá tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô, thậm chí có thể lớn gấp 3 lần số hiện tại.
Nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cho thấy, hệ thống các TCTD còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, thứ nhất, hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều TCTD gặp khó khăn, nhiều TCTD có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Thứ hai, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.
Thứ ba, giai đoạn vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém để bảo đảm an toàn của hệ thống TCTD. Tuy nhiên, do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các TCTD yếu kém còn gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất nếu không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện việc hỗ trợ.
Thứ tư, việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; Thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động. Do đó đòi hỏi cần phải tiếp tục và sớm có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới không để tác động xấu đến an toàn hệ thống và bảo đảm tính khả thi của việc xử lý TCTD yếu kém.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, các vướng mắc pháp lý cho tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu hầu hết liên quan đến quy định tại các Luật. Do đó, để xử lý triệt để các bất cập, khó khăn, vướng mắc này thì cần ban hành Luật để xử lý các vấn đề đặc thù trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu.
Ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP
Việc không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém, theo Ngân hàng Nhà nước, có thể dẫn tới một số hệ lụy như sau: Một là, bất cập, thiếu hụt liên quan đến cơ sở pháp lý xử lý, cơ cấu lại các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu không được giải quyết;
Hai là, làm chậm tiến độ trong công tác tái cơ cấu các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu; làm ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng đối với công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, qua đó ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD và tạo ra nguy cơ rủi ro lan truyền;
Ba là, nếu các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý các TCTD yếu kém và nợ xấu trong được tháo gỡ, sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
Bởi vì mô hình tăng trưởng của Việt Nam là mô hình phụ thuộc vào quy mô vốn đầu tư, trong đó chủ yếu dựa vào tín dụng từ khu vực ngân hàng. Gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế đặt lên hệ thống các TCTD ngày càng lớn, tỷ lệ tín dụng so với GDP tăng liên tục trong giai đoạn 2012-2015 (năm 2012: 95,2%; năm 2013: 97,0%; năm 2014: 100,0%; năm 2015: 111,1%) và ở mức cao so với các nước.
Cho nên, sự lệ thuộc rất lớn về vốn của các tổ chức kinh tế và cá nhân vào hệ thống các TCTD khiến cho hệ thống các TCTD dễ bị tổn thương từ những thay đổi bất lợi của nền kinh tế. Ngược lại, nền kinh tế sẽ dễ bị tổn thương khi hệ thống các TCTD đối mặt với các nguy cơ, rủi ro đổ vỡ…/.
Theo VOV