Lãng phí hàng ngàn tỉ đồng từ… rơm
Nếu biết cách thu gom tận dụng, chỉ riêng tiền bán rơm có thể mang lại nguồn thu hàng ngàn tỉ đồng dùng để tái đầu tư vào khoa học công nghệ cho cây lúa.
Tại hội thảo khoa học về chương trình Tây Nam bộ, được tổ chức tại TP HCM ngày 18/4, ông Nguyễn Thể Hà, đại diện Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, cho rằng hiện Việt Nam đang lãng phí hàng ngàn tỉ đồng từ rơm.
Rơm là nguồn phế phẩm trong sản xuất lúa nhưng nhiều năm gần đây nó đã trở thành sản phẩm hàng hóa (Ảnh: Mai Vọng) |
Khoa học phải tiếp cận từ thực tế
Ông Nguyễn Thể Hà cho rằng các nghiên cứu khoa học cho ĐBSCL đang đi từ trên xuống, xuất phát từ phòng máy lạnh ra nên không sát thực tế; trong khi đó có những việc rất cụ thể thì không ai làm. Ông Hà ví dụ: Rơm hiện nay 700 - 800 đồng/kg. Nếu được cuốn lại thành cuộn 1.800 - 2.000 đồng/kg, ép lại thành bánh là 2.500 đồng, trở thành thức ăn gia súc đến 8.000 đồng/kg. ĐBSCL có 10 triệu tấn rơm nếu tính ra tiền là hàng chục ngàn tỉ đồng. Nguồn tài nguyên đó đang bị bỏ phí. ''Ngoài làm thức ăn gia súc người ta có thể tận dụng làm nhiều thứ khác nhưng phần lớn hiện nay chúng ta đang bỏ phí. Chúng tôi đang làm đề tài nghiên cứu chế tạo máy móc phục vụ lĩnh vực này, nhưng đi tìm hoài không gặp ông “bộ” nào cả'', ông Hà nói.
Một thực tế khác, hiện nay giá thành sản xuất lúa là 3.300 đồng/kg. Chúng ta có thể giảm giá thành sản xuất xuống còn 1.800 - 2.000 đồng/kg nếu áp dụng khoa học kỹ thuật vào. Một trong những việc rất đơn giản là sử dụng tia laser trong khâu làm đất. Việc này chúng ta đã thử nghiệm khoảng 20 năm trước, đầu tiên ở Đông Nam Á và trước cả Ấn Độ. Tuy nhiên do hạn chế về diện tích đất đai và không có cơ chế chính sách phát triển nên sau này các nước người ta áp dụng và nó vẫn là mới với VN. Đó là những việc cụ thể và thiết thực thì không ai làm.
Ông Hà bức xúc: "Chương trình Tây Nam bộ muốn tạo một bước đột phá về khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp cho vùng này. Nhưng cách chúng ta đang làm vẫn còn rất loay hoay như chính tiêu đề của hội thảo: “Phương thức đặt hàng, tuyển chọn, triển khai và huy động các nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc chương trình Tây Nam bộ”. Tại sao chúng ta không làm một cách đơn giản hơn là xem các doanh nghiệp đang làm gì, nghiên cứu ra sao? Đó mới là những nghiên cứu thực tế nhất. Nhà nước chọn lọc từ những nghiên cứu đó, hỗ trợ họ nghiên cứu, triển khai theo cơ chế hợp tác đầu tư 50/50. Doanh nghiệp chúng tôi muốn làm, tiếp cận chính sách với các bộ ngành vô cùng khó khăn và còn phải tốn “phí” bôi trơn. Trong khi đó các vị làm chính sách, nghiên cứu khoa học chỉ ngồi trong phòng lạnh suy nghĩ rồi cứ mãi loay hoay không có cái gì cụ thể cả".
“Cách của các vị đang làm, doanh nghiệp “chơi” không được. Muốn doanh nghiệp tham gia phải thay đổi cách tiếp cận từ dưới lên, từ thực tế cuộc sống, không đi từ trên xuống như hiện nay. Tôi đã tính toán kỹ, có thể dùng tiền bán rơm đó đủ để đầu tư vào cơ giới, khoa học công nghệ phục vụ cho chính cây lúa”, ông Hà nhấn mạnh.
Nếu như trước đây sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ thường bị bỏ lại trên đồng hoặc đốt thì nay rơm được nông dân ĐBSCL thu gom bán cho thương lái.
Trân trọng tri thức bản địa
Giáo sư Võ Tòng Xuân nói: "Đợt hạn mặn 2016 cho chúng ta một bài học quý rằng không nhất thiết phải tập trung cho cây lúa. Nước mặn cũng là một lợi thế để phát triển kinh tế nếu biết cách dựa vào nó. Tuy nhiên việc chuyển đổi và chuyển như thế nào thì phải được tính toán cẩn thận. Ví dụ như ở Đồng Tháp có thể chuyển đổi lúa sang trồng xoài xuất khẩu. Việc này phải có sự tham gia của các bộ ngành có liên quan. Mặt khác về mặt xã hội cũng phải có nghiên cứu tính toán sao cho hợp lý để tránh gây mất ổn định trong tâm lý nông dân".
Rơm đang dần trở thành sản phẩn được tiêu thụ mạnh để phục vụ chăn nuôi (Ảnh: Công Hân) |
Ủng hộ những ý kiến trên, TS Nguyễn Trung Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) nói: "Thực tế chúng ta có nhiều đề tài nghiên cứu rồi cất vào thư viện; thậm chí có những đề tài đề xuất không được duyệt, khi có chương trình khác lại đem ra chỉnh sửa tên. Đáng buồn hơn Nhà nước đặt hàng nghiên cứu thì chính Nhà nước phải nhân rộng nó ra nhưng lại không làm được. Chính vì vậy phải thay đổi cách làm là mua hoặc hỗ trợ doanh nghiệp để họ nghiên cứu rồi triển khai".
Đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nói: "Khu vực này có nhiều nhà khoa học có kiến thức sâu rộng, tầm vóc quốc gia và cả quốc tế. Thế nhưng chương trình hỗ trợ cho Tây Nam bộ, các đề tài khoa học phục vụ cho vùng này lại có rất ít nhà khoa học trong vùng tham gia. Đây là một thực tế đáng buồn. Chương trình phải làm sao thu hút được đối tượng này để phát huy nguồn tri thức bản địa vô cùng phong phú này"./.
Theo VOV