Khai thác cát sỏi trái phép: Thất thu ngân sách do quản lý bất cập
Khai thác khoáng sản nhỏ lẻ nằm ngoài quy định đang khiến nguồn tài nguyên bị tổn thất lớn khiến nhà nước mất đi nguồn thu ngân sách.
Những năm gần đây, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng phức tạp. Đây cũng chính là những loại khoáng sản gây ra tình trạng thất thu cao nhất và khó quản lý nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Noong Hẹt là một trong những xã có tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép nhức nhối nhất trên địa bàn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Những năm qua, mặc dù chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp như tịch thu máy hút cát, xử phạt hành chính… nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng này. Giao thông thuận lợi, cùng những lợi nhuận quá lớn từ cát, sỏi nên nhiều "cát tặc" lại bỏ tiền mua máy mới, chấp nhận nộp phạt nhiều lần để tiếp tục khai thác.
"Cát tặc" ngang nhiên lộng hành bất chấp những biện pháp của chính quyền địa phương. |
Thời gian gần đây, chính quyền xã Noong Hẹt đã chôn cột bê tông tại các lối ra ở gần các điểm khai thác cát, sỏi trái phép, bước đầu biện pháp này đã có hiệu quả, các chủ cơ sở khai thác cát trái phép không thể cho xe tải vào vận chuyển vật liệu ra ngoài, nên đã tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Điều cần thiết là phải rà soát, cấp giấy phép khai thác đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện thời gian tới.
Ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt cho biết, để ngăn chặn có hiệu quả, giảm được việc khai thác cát trái phép, các cấp, các ngành cần xem xét, đưa ra một số quyết định đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện làm thủ tục cấp giấy phép.
“Làm được điều này sẽ giảm đi trách nhiệm trong công tác quản lý đối với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ điều kiện khai thác. Đối với các cá nhân nếu không đủ điều kiện làm giấy phép khai thác sẽ tổ chức ngăn chặn”, ông Kha đề xuất.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, ước tính mỗi năm tỉnh thất thu ngân sách Nhà nước khoảng 50 tỷ đồng từ khai thác khoáng sản. Trong đó thất thu được xác định chủ yếu là từ khai thác cát, sỏi.
Hiện nay, do nhu cầu xây dựng và sử dụng các vật liệu này trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng cao, dẫn đến tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra khá phổ biến, tự phát và khó kiểm soát tại một số địa phương. Điều này đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khi dòng chảy bị biến đổi, tình trạng sạt lở đất, mất diện tích nông nghiệp ngày càng ra tăng.
Riêng trên địa bàn xã Noong Hẹt tính đến thời điểm tháng 4 năm 2017 đã bị mất hơn 2.000 m2 đất bãi bồi, hàng chục gia đình tại các đội 17,18,19 đều bị sói lở đất, ảnh hưởng đến đời sống bởi tiếng gầm rú của máy móc, khi cát tặc hút cát bất kể ngày đêm.
Ông Cà Văn Đôi, người dân đội 18, xã Noong Hẹt, bức xúc nói: “Doanh nghiệp hút cát liên tục hằng đêm khiến cuộc sống sinh hoạt của bà con trong bản bị ảnh hưởng. Nhiều diện tích nông nghiệp trong bản bị lở hết khiến người dân không còn diện tích làm nương rẫy”.
Điều đáng ngại là do chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, nhiều người dân đã bán đất có thời hạn, bao che, tiếp tay cho các chủ khai thác, thậm chí là trực tiếp tham gia khai thác trái phép, khiến công tác quản lý càng trở nên khó khăn hơn. Chỉ khi hết thời gian bán và cho thuê đất, diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở nghiêm trọng không thể khôi phục để trồng trọt, nhiều người mới tỏ ra ngậm ngùi, lo lắng.
Hiện nay, tỉnh Điện Biên mới chỉ cấp phép khai thác cát cho 2 đơn vị, được phép khai thác cát tại điểm mỏ thuộc đội 6, xã Pom Lót và đội 19, xã Noong Luống, huyện Điện Biên. Nhưng so với nhu cầu bức thiết về nguyên liệu xây dựng các công trình, chỉ có 2 cơ sở được cấp phép là khó đảm bảo cung ứng.
Ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên cho biết, do tỉnh có địa bàn rộng, các công trình xây dựng nhỏ lẻ theo các chương trình, như 135, xây dựng nông thôn mới và các chương trình giảm nghèo nhanh bền vững… lại ở vùng sâu vùng xa, việc cung ứng khoáng sản vật liệu thông thường từ các điểm mỏ về sẽ làm đội chi phí xây dựng lên rất lớn.
Bởi vậy đã diễn ra hiện tượng sử dụng khoáng sản tại chỗ, nhưng trong phê duyệt lại là ở các điểm mỏ. Điều này đã kéo theo việc sử dụng cát, sỏi khai thác trái phép tại địa bàn bán cho các công trình có thời gian xây dựng ngắn.
Thêm nữa, các địa bàn này cũng chưa tạo thành điểm mỏ, lượng khoáng sản bồi tụ không thường xuyên, nên cũng không đủ điều kiện cấp phép khai thác cho các cá nhân, doanh nghiệp. Đây cũng là một bất cập lớn trong công tác quản lý khoáng sản mà địa phương vẫn chưa thể xử lý.
“Theo quy định của pháp luật không có khái niệm khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, chỉ quy định hộ kinh doanh khoáng sản được phép khai thác không quá 3.000 khối khoáng sản nguyên khai/năm, trên cơ sở phải thực hiện quy định của nhà nước như tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng, đánh giá tác động môi trường thì sẽ được cấp phép. Nhưng nội dung này nếu áp dụng với cơ sở nhỏ lẻ khai thác 1 vụ trong thời gian ngắn, tận dụng vài ba khối sẽ rất khó khăn nên cần có những quy định cụ thể hơn, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, các công trình nhà nước và nhân dân cùng làm”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Để hạn chế thất thu ngân sách Nhà nước từ khai thác cát, sỏi trái phép, giải pháp của UBND tỉnh Điện Biên vẫn tiếp tục giao trách nhiệm cho UBND cấp huyện, xã chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu rõ khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng lớn đến môi trường. Cùng với đó sẽ siết chặt quản lý và áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm cụ thể.
Tuy nhiên câu hỏi làm thế nào để đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường xây dựng, lại chống thất thu nguồn ngân sách nhà nước do tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây ra, đến nay vẫn chưa thực sự có lời giải thỏa đáng.../.
Theo VOV