Lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp
Điện Biên TV - Lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật không những làm cho nông dân tăng chi phí mà còn hệ lụy đến sức khỏe của người tiêu dùng, làm ô nhiễm môi trường, không đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền nông nghiệp.
Theo số liệu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nước ta có khoảng 26 triệu ha đất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng phân bón trung bình mỗi năm khoảng trên 10 triệu tấn. Kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc cho thấy, hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45-50%.
Mỗi vụ lúa, trung bình người nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật từ 5 đến 7 lần |
Số lượng phân bón bị rửa trôi mà cây không hấp thụ được chính là một trong những nguồn gây ô nhiễm đất. Một số loại phân bón có tồn dư axít làm chua đất, giảm năng suất cây trồng và tăng độc tố trong đất. Có một thực trạng nữa là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, đúng liều lượng, sử dụng loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, đang làm phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nguy hại ảnh hưởng đến môi trường. Thực trạng sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV không đúng, vừa làm tăng chi phí sản xuất, vừa ảnh hưởng đến môi trường và dẫn tới nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những cánh đồng lúa của huyện Điện Biên là nơi người nông dân thường xuyên dùng thuốc thuốc bảo vệ thực vật trong mỗi mùa vụ. Thuốc bảo vệ thực vật được phun phòng chống sâu bệnh trên đồng ruộng ở nhiều thời điểm khác nhau: Phun trừ cỏ trước khi cấy lúa; phun phòng chống sâu bệnh hại khi lúa mới cấy khoảng 15 – 20 ngày, phun thuốc khi lúa trổ đòng, khi lúa phơi màu và phun thuốc bảo vệ khi bông lúa uốn câu.
Người ta còn phun trừ rầy nâu trước khi gặt khoảng 1 tuần. Mỗi vụ lúa, trung bình người nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật từ 5 đến 7 lần. Không hiểu nhiều về phản ứng của các chất hóa học độc hại, nhiều hộ gia đình còn tự mua các loại thuốc khác nhau, pha chế vào cùng một bình để phun phòng trừ sâu bệnh cho lúa.
Thanh Luông cũng là xã trồng nhiều rau màu. Có nhiều khu vực chuyên canh trồng rau. Rau màu là loại cây trồng ngắn ngày, một năm người nông dân có thể trồng nhiều vụ. Để tăng vụ và kích thích quá trình sinh trưởng, phát triển của cây rau, bà con nông dân thường sử dụng các loại phân bón hóa học. Hầu như họ không chú ý tới sự thoái hóa của đất đai cũng như việc bảo vệ đất cho sản xuất lâu dài.
Ở tỉnh Điện Biên do địa hình, địa chất chia làm các khu vực đất đai có tính chất khác nhau. Mỗi loại đất đều chứa đựng trong đó các nguyên tố hóa học cần thiết cho đời sống cây trồng. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, một gram đất bất kỳ nào cũng đều chứa ít nhất trên 30 nguyên tố hóa học. Bà con nông dân muốn canh tác lâu dài, bền vững, cần bổ sung các khoáng chất cho đất. Trong quá trình canh tác, không chú ý tới điều này sẽ làm cho đất nghèo dinh dưỡng, cây mất sức đề kháng, sâu bệnh hoành hành dẫn đến mùa màng bị ảnh hưởng.
Sử dụng phân hữu cơ và bón phân cho cân đối là biện pháp tốt nhất để bổ sung dưỡng chất cho đất. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng bà con nông dân lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng cho cây trồng đang khá phổ biến. Tình trạng này, đã và đang làm thoái hóa đất, cạn kiệt dinh dưỡng và làm biến đổi tính chất vật lý của đất. Các nghiên cứu cho thấy, nếu chúng ta bón dư đạm vào đất dẫn đến đất bị giảm nguyên tố đồng. Nếu bón dư lân dẫn đến thiếu kẽm. Nếu bón dư Kali sẽ bị đồng hóa Magie và Bo. Nếu bón dư vôi thì dẫn đến tình trạng giảm sắt và Mangan làm cây mất đề kháng, ô nhiễm đất và nước. Sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật còn gây ra những tác động không tốt đối với sâu bệnh hại mùa màng.
Yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện nay là xây dựng môt nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. Để thực hiện được yêu cầu này, bà con nông dân cần phải nắm vững kỹ thuật canh tác và kiến thức về sản xuất sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường. Đây không chỉ là biện pháp nâng cao chất lượng nông sản, mà còn giúp bà con nông dân sản xuất được các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, đem lại thu nhập cao. Vậy bà con phải sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật như thế nào cho đúng cách.
Sản xuất theo hướng an toàn, xanh, sạch, bảo vệ tính cân bằng của đất là điều mà bà con nông dân cần hướng đến |
Sản xuất theo hướng an toàn, xanh, sạch, bảo vệ tính cân bằng của đất là điều mà bà con nông dân cần chú ý. Để bà con dễ nắm bắt, ngành nông nghiệp đã xây dựng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Với phân bón hóa học, nguyên tắc 4 đúng là: Sử dụng đúng loại; đúng liều; đúng lúc và đúng cách. Đúng loại có nghĩa là bà con cần sử dụng đúng loại phân cho từng giai đoạn phát triển cây trồng yêu cầu và phù hợp với từng loại đất. Sử dụng phân bón đúng liều, đúng lượng, tỷ lệ các loại phân theo hướng dẫn của nhà sản xuất và tùy thời tiết, mùa vụ để quyết định bón lượng phân thích hợp. Bón phân đúng lúc là bón đúng thời điểm cây trồng yêu cầu. Còn bón đúng cách là bón phân sao cho cây trồng hấp thu hiệu quả nhất lượng dưỡng chất được cung cấp.
Nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là: Sử dụng đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; phun thuốc đúng lúc và phun đúng cách. Việc sử dụng nguyên tắc 4 đúng trong chăm sóc, bảo vệ mùa màng, không chỉ giảm tối đa chi phí cho sản xuất, mà còn làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Đây cũng là yêu cầu sản xuất của một nền nông nghiệp sạch phát triển bền vững mà chúng ta đang hướng đến.
Minh Giang