Chính phủ kiến tạo - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế

Chủ Nhật, 02/04/2017, 09:09 [GMT+7]

Chính phủ quyết tâm thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp...

Hơn 1 năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải thiện thể chế kinh tế và thực hiện nhiều hành động quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, giúp kinh tế đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức. Hiệu quả của những đổi mới được cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong bối cảnh Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thì Chính phủ kiến tạo hành động chính là động lực, là kỳ vọng cho phát triển kinh tế xã hội.
 

1
Việt Nam được kỳ vọng vẫn tiếp tục là một ngôi sao sáng


Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội và đồng bào cả nước. Chính phủ từng bước cụ thể hóa bằng các nghị quyết, quyết định quan trọng. Cụ thể, đã ban hành Nghị quyết 19/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020…

Ngay sau đó, những chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong năm qua đã thể hiện niềm tin, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp đối với những chính sách, hành động mạnh mẽ của Chính phủ kiến tạo đang khởi động.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, xây dựng nhà nước kiến tạo chính là khâu đột phá để thực hiện. Đổi mới thể chế là một trong ba đột phá chiến lược quan trọng của Việt Nam. Tuy vậy vẫn chưa có đột phá để xác định rõ vai trò của Nhà nước đối với thị trường, đối với doanh nghiệp.

"Năm ngoái Chính phủ mới cũng đã quyết tâm xác lập một chính phủ với vai trò kiến tạo. Nhà nước sẽ tạo ra một môi trường hoạt động cho doanh nghiệp, cho người dân mà ở đó có thể phát huy được hết các nguồn lực của mình," TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Từ giữa năm 2016 đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành về tình hình thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ và đôn đốc thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp…

Theo đó, các bộ, ngành đã triển khai nhiều hành động cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp. Điển hình như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương… từ đầu năm 2016 đến nay đã có những hành động quyết liệt vào những lĩnh vực “phức tạp”. Trong đó có Thông tư 20 của Bộ Công Thương về nhập khẩu xe ô tô, quy định về kiểm tra formaldehyde, quy định về dán nhãn năng lượng, khai báo hóa chất, các điều kiện về kinh doanh gas, xuất khẩu gạo…

Đánh giá về hiệu quả của việc xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển thời gian qua, các chuyên gia nhận định, Việt Nam đã đạt được những thành công bước đầu về thay đổi tư duy và phương thức điều hành nền kinh tế, về xây dựng và củng cố năng lực thể chế nhà nước. Cùng với đó là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Theo Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học kinh tế quốc dân, Nhà nước cần có nhiều nỗ lực đổi mới hơn nữa cải cách thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh, đảm bảo tính hệ thống trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP của cả nước Quý I chỉ đạt 5.1%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức và sẽ còn nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Rõ ràng, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải chủ động đối phó nhiều kịch bản thị trường, thiên tai, dư địa chính sách bị ảnh hưởng do nguồn nợ công tăng cao, trong khi nguồn lực tài chính hạn chế và yêu cầu tái cơ cấu kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: Nền kinh tế Việt Nam xuất phát điểm không cao, chỉ khoảng 100-150 tỷ USD trong một năm, nhưng nhờ tái cơ cấu nên đã lọt top 5 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam hiện duy trì ở tốc độ tăng trưởng trên 6% so với nền kinh tế các nước ở khu vực đang tăng trưởng chỉ có 2-3%.

Về tốc độ tăng trưởng, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, do quy mô nền kinh tế nhỏ nên con số tuyệt đối tăng không bằng các nước khác. Đây là vấn đề đặt ra để tiếp tục làm sao vừa đảm bảo tăng tốc độ, giữ được tốc độ tăng trưởng nhưng phải đảm bảo quy mô của nền kinh tế phát triển hơn nữa.

Theo Nghị quyết 35/CP, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 là cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là Chính phủ quyết tâm thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phụ thuộc nhiều vào ý chí quyết tâm và những bước đột phá trong chiến lược hành động từ phía Nhà nước, Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội. Như vậy, Chính phủ kiến tạo sẽ là nền tảng bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng phát triển ổn định trong thời gian tới./.

 

Theo VOV

.