Phát triển công nghiệp: Nên đưa cuộc sống vào chính sách
Trên cơ sở các định hướng và mục tiêu phát triển công nghiệp nên xuất phát từ những đòi hỏi của cuộc sống để ban hành chính sách cho phù hợp.
Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng nền công nghiệp nước ta hiện chưa tận dụng được lợi thế sẵn có và phát triển như kỳ vọng. Phần lớn vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Điều này khiến cho nền công nghiệp chưa thực sự trở thành đầu tàu của nền kinh tế.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, nguyên nhân là do chính sách phát triển công nghiệp thì nhiều nhưng hiệu quả lại ít, đồng thời thiếu chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia một cách đồng bộ, thống nhất với tầm nhìn và định hướng phù hợp.
Sản phẩm công nghiệp của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chưa có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước và nước ngoài. (Ảnh minh họa: Internet) |
Ông Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, công nghiệp Việt Nam đang gặp những khó khăn nhất định, đó là trình độ phát triển còn thấp, năng lực trong nước yếu kém.
“Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ khó đạt được, không bảo đảm được lợi thế kinh tế về quy mô cho công nghiệp hỗ trợ và không bảo đảm được trình độ nhân lực chất lượng cao. Điều quan trọng nữa là vốn, vốn cao, trình độ công nghệ cao, quy mô kinh tế cao… đây là những điều kiện rất tiên quyết để giúp công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh và thành công”, ông Sang nhận xét.
Đánh giá về chính sách công nghiệp hiện nay, TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước được bảo hộ ưu đãi quá lâu dẫn tới sự cạnh tranh còn hạn chế. Từ những dẫn chứng cụ thể về những thất bại trong việc phát triển xi măng lò đứng, ô tô, đường, thép… cho thấy, phần lớn doanh nghiệp dựa vào lợi thế so sánh sẵn có tại một thời điểm.
Cùng với đó do nhận được sự ưu ái chính sách quá mức dẫn đến doanh nghiệp chây ì, dựa dẫm. Với những ngành hàng đạt được nhiều thành công như xuất khẩu dệt may, da giày, thủy sản… vẫn phải cạnh tranh quyết liệt, mặc dù bị hàng rào bảo hộ, không có nhiều lợi thế nhưng nhờ chính sách hợp lý nên vẫn phát triển được thị trường.
Do đó, không nên theo đuổi chính sách ưu tiên một số sản phẩm công nghiệp cá biệt như hiện nay mà cần xem xét lại chính sách ưu tiên, bởi điều này sẽ khiến doanh nghiệp ỉ nại, không thể phát triển lớn mạnh được.
“Để có một chính sách công nghiệp ưu tiên đúng mức, cần phải lựa chọn các doanh nghiệp đã đã được sàng lọc thông qua cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh quốc tế. Sau đó nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp này để họ có thể lớn hơn, có năng lực cạnh tranh tốt hơn và tiến lên các nấc thang công nghệ cao hơn. Đó mới là cách thức đúng để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam”, TS. Vũ Thành Tự Anh đề xuất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, công nghiệp Việt Nam đang rất cần một hệ thống chính sách đồng bộ vì một số chính sách được ban hành chưa kịp thời và ít tác dụng.
Vì thế, giải pháp trong thời gian tới là cần đổi mới tư duy khi xây dựng chính sách. Thay vì chỉ tiếp cận theo hướng “đưa chính sách vào cuộc sống” cần kết hợp đồng bộ với “đưa cuộc sống vào chính sách”, trên cơ sở các định hướng và mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn, xuất phát từ những đòi hỏi của cuộc sống để ban hành chính sách cho phù hợp.
Đặc biệt, các ưu đãi đề xuất cần được cân nhắc kỹ, căn cứ vào nguồn lực, để sau khi ban hành, chính sách có thể triển khai được. Song song với mở cửa thị trường cần chiến lược nuôi dưỡng các ngành công nghiệp tiềm năng bằng các công cụ chính sách thích hợp.
“Cần tiếp tục đưa các dự án cơ khí nông nghiệp, cơ khí chế biến vào danh mục được hưởng ưu đãi của chương trình cơ khí trọng điểm nhưng cần có các chính sách hỗ trợ thực sự hiệu quả. Ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại thông thường, rất cần sự trợ giúp của Nhà nước trong việc đàm phán để ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương với các quốc gia, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng công nghiệp chế biến nói riêng có điều kiện xâm nhập sâu vào thị trường thế giới”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị.
Tại Hội thảo quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” vừa được tổ chức mới đây, đại diện Bộ Công Thương đã đưa ra một số biện pháp để phát triển công nghiệp như tập trung giải quyết tình trạng “đa nhưng không tinh” của các sản phẩm chế biến, đặc biệt là vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Trong lĩnh vực đầu tư cần lựa chọn, tập trung tối đa vào một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu nhằm thúc đẩy tăng trưởng, xây dựng thương hiệu mạnh và chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và nước ngoài; Trong lĩnh vực thị trường, cần xác định phát triển thị trường hàng hóa là yếu tố quan trọng cho sự phát triển công nghiệp…/.
Theo VOV