Khoán xe công: Nên đưa các khoản vào lương để cán bộ tự thuê xe?
Khoán xe công như thế nào cho phù hợp và đúng tiêu chí đặt ra là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm.
Khoán xe công là một nội dung quan trọng của cải cách hành chính nhà nước, trong đó có cải cách tài chính công, chi tiêu công. Việc khoán xe công là nội dung trong đổi mới quản lý nhà nước và hệ thống công vụ phục vụ. Nội dung này đang được Thành phố Hồ Chí Minh tính tới. Tuy nhiên, khoán xe công như thế nào cho phù hợp và đúng tiêu chí đặt ra là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm.
Có ý kiến cho rằng, không cần mua thuê công mà nên thuê xe để tiết kiệm nhiều chi phí. |
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Cái quan trọng nhất để thực hiện hiệu quả khoán xe công là phải khoán tới cùng. Cán bộ làm lãnh đạo không phải đi xe nhà nước mà phải đi xe của mình. Đưa hết các khoản tiền vào lương, cán bộ tự thuê tài xế tự đi. Sử dụng xe công cũng phải biết tiết kiệm, sử dụng đúng mục đích”.
Hiện nay, số lượng cán bộ có phụ cấp chức vụ 1,25 trong diện khoán xe công của TPHCM theo quy định của Bộ Tài chính không nhiều. Chủ yếu là cán bộ trong thường trực Thành ủy, UBND, thường trực HĐND Thành phố. Còn các Giám đốc Sở và Chủ tịch quận, huyện của Thành phố không được trang bị xe riêng, tài xế riêng mà phải đi xe chung. Việc khoán xe công đang được thành phố xem xét tính toán cùng với xây dựng đề án Trung tâm quản lý xe công.
TS. Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông đô thị, cho rằng: Xe công chỉ dùng cho mục đích công và nên đưa vào ngân sách, từng cơ quan phải tính toán để sử dụng xe hợp lý. Cán bộ công chức có thể mua xe, đi xe công cộng hay thuê xe, nhưng phải trong phạm vi ngân sách quy định. Thế giới đã làm cách thức này từ rất lâu và Việt Nam cũng nên theo hình thức này.
Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh, TS. Phạm Xanh cho hay, nếu thành lập trung tâm quản lý điều hành toàn bộ xe công của tất các sở, ngành sẽ không khả thi. Bởi mô hình này đã được thực hiện từ cách đây mấy chục năm và đã phải xóa bỏ.
Bàn về việc thành lập Trung tâm quản lý xe công, TS. Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: Khoán xe công nên khoán thẳng vào lương. Nếu thành lập trung tâm xe công do nhà nước điều hành quản lý sẽ lại thêm phức tạp về chính sách.
TS. Vũ Anh Tuấn lý giải: “Đã là cơ chế thị trường thì mọi người phải bình đẳng với nhau về các dịch vụ. Nếu có chăng, nên có chế độ phụ cấp vào lương trong các khu vực cho những người làm việc công sẽ dễ chấp nhận hơn”.
Còn theo TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thì muốn thực hiện khoán xe công, trước hết phải xử lý cho được việc sử dụng xe công không đúng mục đích rồi mới tính tiếp. Bởi lâu nay việc lạm dụng xe công vào việc riêng rất phổ biến, nhưng xử lý chưa nghiêm.
Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang cố gắng tìm giải pháp tăng nguồn thu ngân sách vì từ năm 2017, tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố từ 23% giảm xuống còn 18% thì việc khoán xe công là một trong những nội dung cần thiết phải thực hiện nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm chi tiêu công.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Nếu được, sắp tới không đầu tư mua xe công nữa mà nên thuê xe. Thuê xe sẽ không phải mua xe, không phải bảo trì, không phải thay, mình chỉ trả tiền thuê thôi”.
Khoán xe công là việc khó, cần có thời gian bàn bạc để đưa ra thực thi hiệu quả. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu thực hiện được khoán xe công sẽ góp phần giải quyết được các vấn đề, đó là: góp phần tăng năng suất và chất lượng lao động, từ đó sẽ góp phần vào tăng GDP của đất nước; thứ hai là sẽ tiết kiệm và chống được lãng phí, đặc biệt là chống tham nhũng./.
Theo VOV