Cải thiện niềm tin người tiêu dùng: Thách thức lớn của doanh nghiệp

Thứ Tư, 15/03/2017, 07:30 [GMT+7]

Niềm tin của người tiêu dùng đóng vai trò quyết định tới sự thành bại để khẳng định sự tồn tại và sức mạnh của doanh nghiệp.

Theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, trong năm 2016, đơn vị này đã tiếp nhận và xử lý gần 1.200 vụ việc, phản ánh và giải quyết khiếu nại liên quan là nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, điện thoại, viễn thông và nhóm đồ điện tử gia dụng.
 

1
Việc cải thiện niềm tin của người tiêu dùng lại đang là thách thức lớn của nhiều doanh nghiệp hiện nay (Ảnh minh họa: KT)


Trong số này, có tới trên 23% trường hợp phản ánh về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Điển hình là các vụ việc như: quảng cáo sai sự thật thông qua hình thức trúng phiếu mua hàng qua điện thoại của công ty Thái Dương Xanh;  Bán hàng không đúng như nội dung cam kết qua trang web, chương trình bán hàng trên tivi, facebook. Nhiều trang web bán hàng lợi dụng việc mua hàng qua mạng đã giao hàng không đúng như thông tin giới thiệu….

Những vụ việc này cho thấy, quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng bị xâm phạm nghiêm trọng. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ với tiêu dùng thuộc Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam bày tỏ: Người tiêu dùng rất cần những thông tin từ phía doanh nghiệp và nhà sản xuất để nhận biết được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Doanh nghiệp đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng và đảm bảo cho hàng hóa không chỉ trong nước có thương hiệu mà còn đến được với người tiêu dùng nước ngoài. Đây là sự cân bằng giữa sản xuất và tiêu dùng. Vai trò của doanh nghiệp, của người kinh doanh rất cần thiết, chính điều này mới đảm bảo được chất lượng mà người tiêu dùng mong muốn.

Hiện nay, có nhiều quyền được đưa ra để bảo vệ quyền lợi chính đáng, tạo độ tin tưởng cho người tiêu dùng, trong đó chủ yếu là: “quyền sử dụng sản phẩm an toàn; quyền được thông tin về sản phẩm; quyền được lựa chọn”. Về phía doanh nghiệp, phải nắm bắt được  tâm lý của người tiêu dùng, trong đó cần quan tâm đến tiêu chí: sản phẩm bảo đảm chất lượng, được đóng gói gọn gàng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả phải chăng, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp…

Trong quá trình Việt Nam hội nhập ASEAN và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, hàng tiêu dùng từ các nước trong khu vực tràn vào, gây sức ép không nhỏ đối với hàng Việt Nam thì việc tạo niềm tin đối với khách hàng là vô cùng cần thiết. Đây cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thương trường vẫn đang trăn trở.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ladoda chia sẻ:"Trong bối cảnh hiện nay, việc lấy lòng tin của người tiêu dùng là một vấn đề rất khó khăn. Chúng tôi luôn trăn trở làm thế nào để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đúng là sản phẩm của công ty, đúng là sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. Với tiêu chí như vậy, hiện tại Công ty sẽ cố gắng nỗ lực để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao nhất và phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng…"

Mặc dù Luật bảo vệ người tiêu dùng được ra đời từ nhiều năm nay, nhưng trong quá trình thực thi còn bộc lộ nhiều hạn chế: doanh nghiệp hoặc cá nhân không coi trọng chất lượng sản phẩm, vì lợi nhuận sẵn sàng “lách luật”, vi phạm các qui định về bảo vệ người tiêu dùng…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khuyến cáo: Người tiêu dùng cần phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật. Ngoài quyền thì phải có hai nghĩa vụ, đó là phải xem xét hàng hóa kỹ trước khi mua về xuất xứ, chất lượng.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, người tiêu dùng phải đảm bảo bảo vệ môi trường hay là văn hóa tiêu dùng nên tiết kiệm. Khi phát hiện ra các vi phạm thì phải có trách nhiệm báo cho cơ quan Nhà nước, báo cho tổ chức kinh doanh để có các biện pháp xử lý.

Tại Lễ phát động "Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam" vừa được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với mục tiêu xây dựng một xã hội phồn vinh, văn minh, một môi trường kinh doanh – tiêu dùng lành mạnh và bền vững.

Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp hãy tự khẳng định mình thông qua việc thực hiện tốt nhất các nghĩa vụ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, biến những nhu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp./.

 

Theo VOV

.