Tăng thuế môi trường xăng dầu tới 8.000 đồng/lít là không thuyết phục

Thứ Bảy, 11/02/2017, 19:00 [GMT+7]

Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

Thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu có thể sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Đây là điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính đang xây dựng vấp phải sự phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân lo ngại giá xăng có thể tăng mạnh.

Việc áp mức thuế cố định quá cao đối với mặt hàng xăng, dầu có lợi cho công tác quản lý ngân sách, nhưng lại gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi phải “gánh” thêm nhiều chi phí từ loại thuế này.

f
Doanh nghiệp và người dân đang lo ngại giá xăng có thể tăng mạnh sau khi tăng thuế bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa: KT)


Theo Dự thảo, đối với xăng (trừ xăng ethanol) mức thuế dự kiến sẽ tăng từ 1.000-4.000 đồng/lít hiện nay lên mức 3.000 - 8.000 đồng/lít. Đối với dầu diezel, sẽ lên mức 3.000-6.000 đồng/lít thay vì 500 - 2.000 đồng như hiện hành. Mỗi kg dầu ma dút cũng có thể tăng tối đa gấp 3 lần hiện nay…

Bộ Tài chính cho rằng, tăng thuế suất bảo vệ môi trường phù hợp với lộ trình dài bù đắp cho phần thuế nhập khẩu phải cắt giảm dần theo cam kết của các hiệp định thương mại quốc tế, tránh ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên, theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ngoài thuế bảo vệ môi trường, mặt hàng này đang chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và các loại phí…tính ra chiếm khoảng 50% giá thành xăng dầu. Do đó, việc tăng thêm thuế bảo vệ môi trường tới đây có thể dẫn đến giá xăng dầu tăng mạnh.

“Khung thuế này quá cao nên Hiệp hội đề nghị khung này cao nhất đến chỉ 5.000đồng/lít, để đến 8.000 đồng/lít là phản cảm, không phù hợp với nền kinh tế. Tăng thuế mạnh quá sẽ gây sốc cho nền kinh tế và người tiêu dùng là không nên”, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho biết.

Trong một văn bản gửi Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  (VCCI), đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, dù việc giảm thuế nhập khẩu có thể làm giảm thu ngân sách, nhưng không nên thay thế thuế nhập khẩu bằng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, bởi đây là nguồn thu không bền vững.

Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thuế bảo vệ môi trường cần dựa trên tỷ lệ giá bán, nhưng Bộ Tài chính đưa ra con số tuyệt đối dù giá tăng hoặc giảm thì vẫn thu một mức cố định. Trường hợp giá bán lẻ xăng dầu giảm mà thuế vẫn thu ở mức tuyệt đối như vậy là thiệt hại cho người tiêu dùng.

“Thuế là một trong những yếu tố cấu thành giá nên khi thuế tuyệt đối cố định tăng thì giá sẽ tăng. Nếu cứ cho rằng, do thuế nhập khẩu giảm nên phải bù, nhưng tăng lên tới 8.000 đồng/lít nếu tính ra tổng cộng các thuế, phí chiếm đến gần 80% giá xăng dầu sẽ là không thuyết phục. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nếu chi phí tăng lên sẽ hạn chế cạnh tranh và là rào cản cho các doanh nghiệp. Thu nhập người dân còn thấp thì những yếu tố đó sẽ tác động tới sản xuất và tiêu dùng”, Chuyên gia Ngô Trí Long nêu ý kiến.

Mới đây, một số bộ ngành đề nghị bổ sung đánh giá tác động về kinh tế, xã hội đối với phương án nâng mức sàn, mức trần biểu khung thuế của xăng trong dự thảo, đồng thời, đề nghị cần có một lộ trình phù hợp để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Khắc Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đây mới chỉ là dự thảo khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để trình Chính phủ. Sau khi Chính phủ xem xét, trình Quốc hội, mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể của từng giai đoạn sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và chưa thể khẳng định là năm nay sẽ tăng loại thuế này.

“Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành để trình Chính phủ. Còn mức như thế nào và thực hiện thời điểm nào thì còn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đầy đủ các khía cạnh, chưa phải tăng ngay. Khi nào có mức tăng cụ thể mới khẳng định được là cao hay thấp. Hiện tại đã giảm thuế nhập khẩu nên phải cân đối lại các khoản thuế phí để không ảnh hưởng nguồn thu, công tác quản lý và đề phòng buôn lậu và đặc biệt là không ảnh hưởng cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Liêm nêu rõ.

Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã từng được điều chỉnh tăng gấp 3 lần, từ mức 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít, gần sát mức trần là 4.000 đồng/lít vào tháng 5/2015. Bởi vậy, việc điều chỉnh tăng khung thuế lần này lên mức trần là 8.000 đồng/lít sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường riêng năm 2016 lên đến hơn 42.000 tỉ đồng nhưng mới chỉ có 1/4 số thu này được dùng đúng mục đích.

Bên cạnh việc cân nhắc mức tăng, cũng như lộ trình tăng thuế cần phù hợp với nền kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, nhiều ý kiến cũng yêu cầu minh bạch nguồn thu chi từ thuế bảo vệ môi trường để người dân giám sát đảm bảo tiền thuế phải được sử dụng đúng mục đích./.

 

Theo VOV
 

.