Phát triển nghề trồng nấm ở Điện Biên
Điện Biên TV - Nấm ăn là loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, có thể thay thế thịt cá và là nguồn dược liệu quý có công dụng phòng ung thư, tăng cường sức khỏe. Nấm còn được coi là loại rau sạch, có thể sử dụng trong nhiều món ăn. Là loại nông sản có giá trị về nhiều mặt, những năm gần đây, nghề trồng nấm ăn và nấm dược liệu ở nước ta phát triển nhanh cả về sản xuất lẫn tiêu thụ. Riêng ở tỉnh Điện Biên, 5 năm gần đây nhờ công nghệ sản xuất giống nấm được mở mang, nghề trồng nấm đã được nhân rộng trên khắp các huyện, thị, thành phố.
Thành công mới nhất của Trung tâm Nấm Điện Biên là đã chủ động sản xuất được giống nấm Linh Chi, loại nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao trên thị trường |
Nấm ăn được xếp vào loại rau sạch giàu dinh dưỡng, có thể sử dụng rộng rãi làm thực phẩm và được chế biến trong rất nhiều món ăn khác nhau. Một số loại nấm như: Linh Chi, nấm Lim, nấm Đông trùng hạ thảo… còn có các thành phần được liệu, giúp con người khỏe mạnh và phòng chống được một số căn bệnh tiềm ẩn nguy hiểm. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện trong những loại nấm này một số hoạt chất có dược tính rất mạnh và các vitamin quan trọng với sức khỏe con người như: vitamin B1, B2, B3, vitamin C. Nấm ăn cũng có nhiều chất khoáng cần thiết như kali, phosphor, natri, calci và magie, giúp cân bằng nguồn dưỡng chất cho cơ thể. Đối với người ăn chay, nấm được sử dụng thường xuyên để bổ sung protein cho thể trạng. Bởi có nhiều công dụng như vậy nấm ăn, nấm dược liệu đã được nuôi trồng, phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước và trở thành loại hàng nông sản có giá trị kinh tế cao.
Quy trình kỹ thuật sản xuất nấm được đưa về Điện Biên vào khoảng năm 2010. Trung tâm Nấm Điện Biên là đơn vị đầu tiên thử nghiệm công nghệ nuôi cấy phôi nấm và sản xuất nấm thương phẩm. Trung tâm có khu nhà xưởng rộng khoảng 2.000 nghìn mét vuông, được chia thành các ô riêng biệt, trồng nhiều loại nấm khác nhau như: nấm Sò, Mộc Nhĩ, nấm Chân Dài, nấm Linh Chi. Để có được thành công ngày hôm nay cán bộ, công nhân viên của Trung tâm từng trải qua không ít thời điểm khó khăn, nhất là khi còn thiếu kinh nghiệm nuôi cấy phôi nấm.
Từ khảo nghiệm đến xây dựng thí điểm mô hình trồng nấm để đưa vào phát triển là cả một quá trình. Cán bộ, công nhân viên Trung tâm Nấm Điện Biên đã vừa phải học tập kỹ thuật nuôi cấy phôi của nhiều loại nấm khác nhau, vừa phải nghiên cứu điều kiện thích nghi của từng giống nấm với khí hậu Điện Biên, từ đó điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm phòng nuôi cấy phôi, cũng như khu trồng nấm cho thích hợp. Sau 3 năm học tập, nghiên cứu với lòng say mê và tinh thần cầu tiến, cán bộ, công nhân viên của Trung tâm Nấm Điện Biên đã làm chủ được công nghệ nuôi cấy nhiều loại phôi nấm. Phát huy kết quả này, gần đây Trung tâm tiếp tục hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống nấm, mở rộng quy mô nhà xưởng, phát triển mô hình sản xuất nấm thương phẩm.
Thành công mới nhất của Trung tâm Nấm Điện Biên là đã chủ động sản xuất được giống nấm Linh Chi, loại nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao trên thị trường. Theo ông Phạm Ngọc Sáng, Giám đốc Trung tâm Nấm Điện Biên, công đoạn làm phôi nấm Linh Chi rất kỳ công. Đầu tiên là khâu tạo giá thể cho nấm. Chất dinh dưỡng và chất khoáng có trong nấm chủ yếu lấy từ cơ chất trồng nấm, nên khâu xử lý nguyên liệu trồng nấm có vai trò quan trọng. Để khử các loại nấm mốc, vi khuẩn có hại và bổ sung nồng độ pH cho giá thể nấm, các nguyên liệu như mùn cưa, rơm rạ, bã dong riềng, sẽ được ủ đống kết hợp với đảo, điều chỉnh độ ẩm trong khoảng 20 - 30 ngày. Sau khi ủ đống, các nguyên liệu sẽ được trộn cùng một số phụ gia với tỷ lệ 30% phụ gia, 70% mùn cưa rồi đóng bịch và tiến hành hấp thanh trùng trong thời gian 3 - 4 giờ đồng hồ. Bịch phôi đã được thanh trùng sau khi nguội được mang vào phòng cấy giống để cấy phôi nấm. Bịch phôi ủ từ 20 - 30 ngày ở nhiệt độ 20oC, khi tơ nấm đã ăn trắng bịch mới được chuyển ra trại trồng. Nấm được chăm sóc từ 30 đến 40 ngày là có thể cho thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt, mỗi bịch nấm linh chi có thể cho thu hoạch khoảng 4 lứa trong khoảng 120 ngày, năng suất trung bình thu được vào khoảng 0,5kg nấm tươi/bịch. Nấm Linh Chi được phơi khô trên thị trường hiện nay có giá từ 700 – 800 nghìn đồng/1kg.
Nhờ công nghệ sản xuất ngày càng hoàn thiện, hiện nay, Trung tâm Nấm Điện Biên là đơn vị duy nhất trên toàn tỉnh thực hiện thành công quy trình nuôi cấy phôi nấm và sản xuất các giống nấm ăn, nấm dược liệu. Mô hình sản xuất nấm thương phẩm được nhân rộng, mỗi năm Trung tâm cũng chuyển giao công nghệ trồng nấm và cung cấp hàng triệu bịch giống nấm cho nông dân Điện Biên và các tỉnh lân cận. Từ việc chuyển giao công nghệ trồng nấm cho nông dân của Trung tâm Nấm Điện Biên, nghề trồng nấm đã được phát triển rộng khắp các huyện, thị, thành phố trên toàn tỉnh.
Ở các xã Thanh Chăn, Thanh An, Thanh Yên của huyện Điện Biên, nhiều hộ nông dân đã tận dụng các khoảng không gian trống của gia đình để trồng nấm. Những loại nấm được họ trồng phổ biến là nấm rơm và nấm sò. Nấm rơm thường được trồng vào khoảng tháng 5, khi mùa mưa bắt đầu, không khí có độ ẩm cao. Đây cũng là thời điểm mùa gặt vừa kết thúc, các nông hộ có thể tận thu rơm, rạ rất dễ dàng. Với quy trình kỹ thuật được Trung tâm Nấm Điện Biên chuyển giao, người nông dân có thể tự xử lý nguyên liệu trồng nấm ngay tại gia đình và đưa phôi nấm vào cấy. Nấm rơm rất giàu vitamin và các axit amin. Đây là loại nấm sinh trưởng, phát triển nhanh, có thể cho thu hái liên tục trong vòng 20 đến 30 ngày với giá thị trường 50.000đồng/1kg.
Mỗi năm, Trung tâm Nấm Điện Biên cũng chuyển giao công nghệ trồng nấm và cung cấp hàng triệu bịch giống nấm cho nông dân Điện Biên và các tỉnh lân cận |
Nấm sò là loại nấm giàu dinh dưỡng, dễ sử dụng và có giá trị kinh tế, cũng được trồng phổ biến ở nhiều nơi. Tuy nhiên, đây là loại nấm khó tính, nên khâu xử lý nguyên liệu trồng nấm và cấy phôi được thực hiện tại Trung tâm nấm. Các hộ nông dân phải quy hoạch không gian trồng nấm đủ tiêu chuẩn về nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng, nấm mới có thể sinh trưởng, phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Đầu tiên nấm sò được chuyển giao tới một số nông dân có điều kiện về nhà xưởng ở huyện Điện Biên sản xuất. Sau đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc cũng tận dụng không gian trống của nhà sàn, tạo thành ô sản xuất nấm. Các loại nấm sò hương vị thơm ngon, rất được người tiêu dùng Điện Biên ưa chuộng, vốn chỉ nhập từ các tỉnh miền xuôi, nay đã được trồng, hái quanh năm tại địa phương. Nghề trồng nấm không chỉ mang lại thu nhập thêm cho các nông hộ sản xuất nhỏ mà còn góp phần tận thu phế, phụ phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường.
Bà Lò Thị Pấng, bản Noong Ứng, xã Thanh An, huyện Điện Biên cho biết: "Gia đình tôi trồng 1.700 bịch nấm đợt này cũng được 3 tháng rồi, việc chăm sóc thì không khó, ngày tưới nước 2 lần vào buổi sáng và chiều. Hiện gia đình đã được thu hoạch nấm, có ngày thu được từ 13 - 14kg, cũng có ngày được 7 - 8kg tùy vào thời tiết râm mát hay nắng nóng cho thu nhiều hay ít. Chưa hết vụ nấm này nhưng gia đình tôi đã thu về 12 triệu đồng rồi."
Xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững, thị hiếu sử dụng rau sạch và thực phẩm chức năng ngày càng tăng của người tiêu dùng, đã thúc đẩy nghề trồng nấm ăn và nấm dược liệu ngày càng phát triển. Hiện nghề trồng nấm rơm, nấm sò đang được nhân rộng trên 10 huyện, thị, thành phố trên toàn tỉnh. Nghề sản xuất nấm không chỉ góp phần cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch cho thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân mà còn giúp xử lý triệt để hàng nghìn tấn phế, phụ phẩm nông nghiệp xả thải ra môi trường. Đây là nghề đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Ông Phạm Ngọc Sáng, Giám đốc Trung tâm Nấm - Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên cho biết: Để xây dựng được nhà xưởng sản xuất hàng triệu bịch nấm trong một năm thì cũng phải có kiến thức và công nghệ, đồng thời có sự đam mê nghiên cứu khoa học. Đây là công nghệ sạch, an toàn và là nhân tố để đảm bảo đến sức khỏe con người. Trồng nấm nhằm giải quyết tính nông nhàn thời vụ, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tận thu phụ phẩm nông - lâm.
Chỉ trong khoảng 5 năm trở về đây, nghề trồng nấm đang được phát triển mạnh mẽ ở Điện Biên. Đây có thể gọi là nghề mang lại nhiều giá trị cho nông dân cũng như cộng đồng xã hội. Hy vọng tới đây nông dân Điện Biên sẽ phát triển thêm nhiều hơn nữa các loại nấm có giá trị kinh tế cao phục vụ thị hiếu tiêu dùng ngày càng tinh tế.
Minh Giang – Huy Long