EVN chỉ nắm giữ các nhà máy điện lớn

Thứ Tư, 08/02/2017, 10:32 [GMT+7]

Thủ tướng yêu cầu EVN chỉ nắm giữ các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có yêu cầu Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cần tập trung mọi nỗ lực bảo đảm cung cấp đủ điện với chất lượng và độ tin cậy ngày càng cao cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Đồng thời, EVN tiếp tục là Tập đoàn nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong ngành điện thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện. EVN phải thực hiện tốt công tác tái cơ cấu Tập đoàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đổi mới, sắp xếp khối phát điện, phân phối và bán lẻ điện, vận hành hệ thống điện và thị trường điện đảm bảo đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào hoạt động hiệu quả theo kế hoạch, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
 

1
Thủy điện Lai Châu có tổng công suất 1.200 MW là 1 trong 6 nhà máy điện lớn ó ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.


Công khai và minh bạch giá điện

Thủ tướng yêu cầu EVN chỉ nắm giữ các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh (6 nhà máy hiện tại) và các nhà máy điện liên quan đến phối hợp vận hành với các nhà máy điện này, lưới truyền tải và phân phối, còn lại cổ phần hóa khâu bán lẻ và dịch vụ; công khai và minh bạch chi phí, giá thành, giá điện; kiên quyết phòng chống tham nhũng nhất là trong thực hiện cổ phần hóa và đầu tư xây dựng; xây dựng văn hóa ngành điện vì dân, phục vụ nhân dân.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải tiến công tác kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và xã hội; tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao tỷ lệ thanh toán tiền điện qua ngân hàng, giao các chỉ tiêu cụ thể cho các tổng công ty điện lực và công ty điện lực để giảm dần việc tiếp xúc trực tiếp của nhân viên thu ngân với khách hàng sử dụng điện.

Giảm thiểu các thủ tục hành chính

Thủ tướng cũng yêu cầu EVN tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm thời gian tiếp cận điện trong phạm vi quản lý của Tập đoàn, đồng thời đề xuất, kiến nghị các Bộ, ngành và địa phương phối hợp thực hiện để giảm thiểu các thủ tục hành chính liên quan nhằm đạt mục tiêu nằm trong danh sách 4 nước đứng đầu trong khu vực ASEAN về thời gian tiếp cận điện.

Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng các công trình điện, đặc biệt là đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành các nhà máy nhiệt điện than; thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục triệt để nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành của một số nhà máy điện, tuyệt đối không để việc sản xuất điện ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nhà máy.

Năm 2016, EVN đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt mọi nhiệm được giao, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Cụ thể, Tập đoàn đã đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân trong cả nước. Đến nay, tổng công suất nguồn điện hệ thống điện quốc gia đạt khoảng 41.600 MW, trong đó EVN và các đơn vị thành viên đạt gần 26.000 MW, chiếm khoảng 62%.

Điện thương phẩm năm 2016 tăng 10,9% so với năm 2015 và vượt 210 triệu kWh so với kế hoạch. Tập đoàn đã đưa vào vận hành thêm 2.305 MW công suất nguồn điện mới, đặc biệt là đã hoàn thành dự án thủy điện Lai Châu - nhà máy thủy điện lớn cuối cùng ở Việt Nam, vượt trước thời hạn 1 năm, mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 5.000 tỷ đồng và đạt tiêu chí công trình chất lượng cao./.

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, 6 nhà máy điện lớn gồm: Thủy điện Sơn La (công suất lắp đặt 2.400 MW); Thủy điện Hòa Bình (1.920 MW); Thủy điện Lai Châu (1.200 MW); Thủy điện Italy (720 MW); Thủy điện Trị An (400 MW); Thủy điện Tuyên Quang (342 MW)./.

 

Theo VOV
 

.