Cần giảm độc quyền để theo hướng kinh tế thị trường

Thứ Năm, 16/02/2017, 15:04 [GMT+7]

Danh mục hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo công bằng, không làm xấu đi môi trường kinh doanh.

Dự thảo Nghị định quy định mới nhất về hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước do Bộ Công Thương soạn thảo đang có nhiều ý kiến trái chiều, khi có tới 20 danh mục ngành, nghề thuộc độc quyền nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo nghị định này cần cân nhắc một số ngành nghề và có thể ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh.

Danh mục 20 hàng hóa, dịch vụ thuộc độc quyền nhà nước có các lĩnh vực như sản xuất vàng miếng, phát hành xổ số kiến thiết, phát hành tem bưu chính, dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí….

d
Phát hành xổ số kiến thiết là 1 trong 20 ngành nghề được Bộ Công thương đề nghị độc quyền Nhà nước.

 

Bộ Công Thương cho biết đây là các loại hàng hóa, dịch vụ hiện đang áp dụng độc quyền nhà nước, không mở rộng hay tăng thêm lĩnh vực. Việc xây dựng dự thảo Nghị định này dựa trên khoản 4, Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 quy định "Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia". Dự thảo nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và thống nhất đầu tiên về quản lý độc quyền Nhà nước.

Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch, nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, việc xây dựng dự thảo Nghị định độc quyền nhà nước mà Bộ Công Thương đưa ra đã đi ngược lại Hiến pháp năm 2013 quy định người dân có quyền tự do kinh doanh trong những lĩnh vực Luật không cấm. Còn theo Bộ luật Dân sự năm 2015, từ năm 2017 trở đi quyền dân sự của cá nhân và pháp nhân chỉ bị hạn chế theo quy định của Luật thay vì nghị định, thông tư như trước đây.

“Về nguyên tắc chỉ có quy định của Luật mới được đặt ra quy định “cấm”, chứ không phải các văn bản dưới luật như Nghị định đang được Bộ Công Thương đưa ra trình lấy ý kiến. Trước khi ban hành Nghị định này cần phải rà soát lại Luật Thương mại xem có phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013 và các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hay không? Trường hợp nếu những quy định này không phù hợp tinh thần hiến pháp và Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp thì phải đề nghị sửa đổi Luật Thương mại trước khi ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành”, TS. Trần Du Lịch nhận xét.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, căn cứ để lựa chọn ngành nghề độc quyền thiếu tính thuyết phục. Chẳng hạn, với lĩnh vực công ích, Bộ Công Thương cho rằng độc quyền là do tư nhân không muốn tham gia, vì doanh thu không đủ bù chi phí.

Tuy nhiên, hiện đã có Nghị định 130 quy định về hàng hóa, dịch vụ công ích nêu rõ Nhà nước sẽ tham gia cung ứng dịch vụ này, nhưng không phải dưới hình thức độc quyền, mà sẽ đặt hàng hoặc giao kế hoạch và đấu thầu để cho mọi thành phần kinh tế đều tham gia.

Còn theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương), trong số 20 lĩnh vực trong dự thảo Nghị định có lĩnh vực mà thành phần kinh tế tư nhân vẫn có thể làm được, với chi phí rẻ nhưng vẫn để doanh nghiệp nhà nước làm là chưa thuyết phục.

“Trong danh mục 20 hàng hóa ngành nghề độc quyền Nhà nước, có một số ngành nghề mới nghe tên cũng không hiểu vì sao lại phải độc quyền Nhà nước, không hiểu cơ sở đề ra danh mục này là như thế nào? Các danh mục này là do các bộ ngành kiến nghị đưa ra và giải trình của Bộ Công Thương thuyết phục. Trong Luật Đầu tư 2014 quy định 6 ngành nghề cấm kinh doanh và 243 ngành nghề có điều kiện. Tại sao những ngành nghề cần thiết không đưa vào kinh doanh có điều kiện thay vì độc quyền Nhà nước?”, bà Thảo băn khoăn.

Tại Việt Nam, nhiều ngành nghề vẫn chưa thể cho tư nhân tham gia, vì lo ngại sẽ nảy sinh những tác động tiêu cực không kiểm soát được. Tuy nhiên, nhà nước vẫn có thể kiểm soát tác động tiêu cực bằng phương pháp khác như điều kiện kinh doanh, cơ chế kiểm tra, giám sát…Mặc dù một số ngành nghề lĩnh vực cần thiết là phải có độc quyền nhà nước, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, cần giảm thiểu để việc độc quyền để thực sự phát triển theo hướng nền kinh tế thị trường.

Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để quá nhiều lĩnh vực độc quyền sẽ dẫn tới loại bỏ cạnh tranh, các hàng hóa, dịch vụ không thể nào có giá rẻ và hiệu quả được.

“Nếu để doanh nghiệp tư nhân làm, cho sự cạnh tranh ở đó và đảm bảo làm đúng các quy chuẩn, Nhà nước đứng ra quản lý và áp đặt quy chuẩn thì tốt hơn đảm bảo độc quyền cho một ai đó. Nhà nước phải làm chức năng nữa là đảm bảo công bằng xã hội và việc kinh doanh. Để tránh xung đột chức năng Nhà nước, độc quyền đó phải giảm thiểu, không để ở quy mô lớn bởi vừa kém hiệu quả, vừa xung đột với chức năng quản lý mà nhà nước phải làm”, TS. Nguyễn Sỹ Dũng góp ý.

Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, việc đưa ra dự thảo Nghị định quy định về hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo công bằng và không làm xấu đi môi trường kinh doanh.

Nếu vẫn giữ lại các lĩnh vực mà Nhà nước muốn độc quyền, thì cần quản lý chặt chẽ để tránh việc lợi dụng sự độc quyền biến thành độc quyền của lãnh đạo doanh nghiệp./.

 

Theo VOV
 

.