Kinh tế Việt Nam sẽ thế nào nếu Mỹ rời TPP?
Dù TPP không thành hiện thực thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam vì thời điểm hiện tại hiệp định này vẫn chưa diễn ra.
Dù Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa tuyên bố Mỹ sẽ từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng nhiều nước trong 11 thành viên còn lại của hiệp định này vẫn kiên trì theo đuổi một TPP không có Mỹ.
Mỹ vừa tuyên bố rút khỏi TPP |
Chậm nhưng chắc
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt nhận định: Dù TPP không thành hiện thực thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Vì đến thời điềm hiện tại, TPP vẫn chưa diễn ra, các quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam vẫn có những kết quả khả quan, và Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Hơn nữa, theo chuyên gia Sebastian Eckardt, Việt Nam đang có quan hệ thương mại với các quốc gia tham gia TPP, cho nên, dù không có hiệp định này đi nữa thì các quan hệ đó vẫn diễn ra.
Việt Nam đang nỗ lực cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh, nếu tiếp tục hướng này thì sẽ giảm thiểu tác động của việc đổ vỡ TPP, ông Sebastian Eckardt đánh giá.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, vào TPP, Việt Nam được đánh giá có lợi thế, nhưng có ngành cũng bất lợi, ví dụ ngành nông nghiệp. Nếu chậm vào TPP, ngành nông nghiệp có thời gian cơ cấu lại, và chuyển dịch theo hướng sản xuất lớn chuyên nghiệp.
Tạm dừng TPP, nông nghiệp Việt Nam có thêm thời gian đi vào sản xuất quy mô lớn |
Ồng Ngân đánh giá, việc tạm dừng TPP là điều kiện để Việt Nam đưa quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đi đúng hướng, góp phần nâng cao năng lực và thể hiện tính tự chủ.
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân nêu thực tế: Dù chưa có TPP, Việt Nam vẫn có quan hệ thương mại, hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, chiếm trên 20% trong số hàng hóa vào thị trường này.
Việt Nam không chỉ ký TPP mà còn ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Liên minh kinh tế Á Âu - thị trường Việt Nam cũng có quan hệ tốt, ông Ngân nhấn mạnh.
Liệu có bất lợi cho dệt may?
Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam, luôn chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Chỉ tính đến tháng 10/2016, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 19,682 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 9,476 tỷ USD.
Cơ hội xuất sang Mỹ còn được nhìn nhận theo chiều hướng tích cực hơn nữa nếu TPP được ký kết bởi thuế nhiều mặt hàng trong đó có dệt may sẽ về 0%. Theo đánh giá của giới chuyên gia, dệt may sẽ là ngành hưởng lợi nhiều nhất do hiện tại thuế suất vào thị trường các nước TPP mà Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do (FTA) đang ở mức khá cao, như Mỹ (17,5%), Canada (17%), Mexico (30%), Peru (17%).
Ngành dệt may không bị ảnh hưởng nhiều nếu không có TPP |
Theo đánh giá của ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) trên báo Hải quan, dù TPP có đạt thỏa thuận hay không, thì không ảnh hưởng đến dệt may Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu dệt may sang Mỹ bởi hiện đây là thị trường số 1 của Việt Nam. Trên thực tế, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ luôn tăng 12-13%/năm. Hơn nữa, dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 9% tỷ trọng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ.
Hiện ngành dệt may đang hướng tới đa thị trường, đặc biệt thị trường châu Âu và ngay cả những hiệp định Việt Nam đã ký kết cũng sẽ hỗ trợ cho phát triển thị trường. Theo ông Trần Hoàng Ngân, ngay cả cộng đồng kinh tế ASEAN Việt Nam vẫn chưa khai thác hết. Khi TPP tạm dừng cũng có nghĩa là cơ hội để ngành may mặc chủ động được nguồn nguyên liệu và tập trung vào thị trường trong nước.
Hiện nay, ngoài TPP, Việt Nam còn có trên 10 FTA đã, đang và sẽ ký kết. Tận dụng hết lợi thế từ những hiệp định này mang lại thì dư địa thị trường xuất khẩu Việt Nam là rất lớn. Ví dụ như FTA Việt Nam- EU, thị trường EU cũng rất lớn và dệt may cũng được cho là mặt hàng có lợi thế khi hiệp định này có hiệu lực. Hay như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc, dệt may cũng có nhiều lợi thế…
Vẫn tích cực hội nhập
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, dù tham gia TPP hay không thì Việt Nam vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ cho hay, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp ước kinh tế khác, đảm bảo quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng với thế giới. “Chúng ta đã có 12 hiệp định thương mại tự do cho nên có tham gia TPP thì rất tốt nhưng không có thì Việt Nam vẫn tiếp tục hội nhập với những chương trình đã ký kết”, Thủ tướng lưu ý.
TPP được kỳ vọng sẽ tạo thêm cơ hội thương mại và đầu tư cho Việt Nam với các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. TPP được coi là một hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao, giúp tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ thông qua cắt giảm thuế quan và các biện pháp phi thuế quan. Việt Nam là nước cung cấp hàng đầu các sản phẩm công nghiệp nhẹ và trung bình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có cơ hội tiếp cận các nền kinh tế lớn.
Theo đánh giá của WB, Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với các nước thành viên TPP. Hiện nay, các nước TPP chiếm 38,8% xuất khẩu, 22,2% nhập khẩu và 38,3% vốn FDI của Việt Nam. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia và Singapore nằm trong nhóm 10 nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam./.
Theo VOV