Chính phủ quyết sách kịp thời để duy trì tăng trưởng kinh tế 2016

Thứ Bảy, 10/12/2016, 23:37 [GMT+7]

Trước những diễn biến bất lợi trong nước và thế giới, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế 2016.
 
Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016 và đưa ra dự báo trong năm 2017 là nội dung cuộc tọa đàm “Làm ăn gì năm 2017?” được tổ chức ngày 10/12.

Trong bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, cân đối kinh tế vĩ mô khó khăn, tăng trưởng lạm phát, cải cách cơ cấu tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam, hàng loạt vấn đề đã được các chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng chứng khoán đặt ra khi đánh giá về nền kinh tế Việt Nam 2016 cũng như những cơ hội trong năm 2017.

Biến đổi khí hậu tác động đến mục tiêu tăng trưởng

Theo đánh giá của TS. Lê Đăng Doanh, năm 2016 Việt Nam đã có bước ngoặt lớn về nhiều mặt. Chính phủ mới thành lập đã dồn dập gặp nhiều khó khăn như sự cố môi trường ở Formosa, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, lũ lụt ở miền Trung… Những biến cố này đã là những thách thức khiến Chính phủ phải đưa ra quyết sách lớn.

1
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).



Cụ thể là trong năm vừa qua, vẫn có khoảng 100.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Những có quyết sách mới tái cơ cấu từ phía Chính phủ khiến cộng đồng doanh nghiệp phát triển làm tăng trưởng cho nền kinh tế.

Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, 2016 là một năm rất đặc biệt cả trong và ngoài nước. Đây là năm Việt Nam vừa thay đổi bộ máy lãnh đạo của đất nước, trong khi các yếu tố chính trị ở khu vực tác động vào nền kinh tế kinh khủng nhất, thiên nhiên thử thách Việt Nam nhiều nhất.

Về biến đổi khí hậu, con người không tự gây ra tình trạng ngập mặn, hay hạn hán. Nhưng khi dòng sông Mekong bị ngăn nước đã khiến áp lực thủy triều tăng lên, nước mặn xâm nhập vùng cửa sông là điều tất yếu.

Trong khi đó, nhìn lại cơ cấu của nền kinh tế, chưa bao giờ 63% lực lượng nông nghiệp mất ổn định và mong manh đến thế. 6 tháng đầu năm nay, phát triển nông nghiệp là - 0,1%, từ tháng 7 trở đi, mưa thuận gió hoà, nông nghiệp tăng trưởng trở lại 0,68%.

“Như vậy có thể thấy, nền kinh tế bất định phụ thuộc vào thời tiết, điều kiện tự nhiên. Nói là thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá, nhưng bản thân cơ cấu không thay đổi nhiều. Nông nghiệp đóng góp 17-18% GDP của năm 2016. Với đóng góp như thế mà tác động như vậy thì phải thấy cơ cấu nền kinh tế còn nhiều việc ngổn ngang”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.

Còn nhiều bất lợi cho doanh nghiệp

Nhận định về kinh tế năm 2016, TS. Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, những bài toán đặt ra từ năm 2011 đến nay vẫn còn nhiều việc phải làm, tái cơ cấu ngân hàng, cổ phần hoá danh nghiệp nhà nước chưa thực sự hiệu quả.

Trong khi đó, xuất khẩu được nhận định là tăng nhưng chủ yếu vẫn chỉ ở khối dệt may. Xuất khẩu nông sản chỉ có thuỷ sản tăng 1,8-1,9%, đồ gỗ có hơn nhưng hoàn toàn không phải gỗ công nghiệp, chỉ nhập về chế tác thủ công dẫn đến nguy cơ phá rừng.

Cũng trong năm này, khi giá trị xuất khẩu nhiên liệu giảm 28-29% thì tăng trưởng công nghiệp so với năm ngoái giảm từ gần 10% xuống còn 7,4%. Do đó, xét cả về chiều rộng và chiều sâu thì nền kinh tế vẫn còn nguyên những bộn bề.
 

1
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.


Nhận xét nền kinh tế Việt Nam 2016 trong tương quan trong khu vực các nước ASEAN, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) lạc quan khi cho rằng, khi đánh giá nền kinh tế, cần đặt trong bối cảnh để thấy những yếu kém nhưng cũng thấy những cố gắng của Việt Nam. Từ đó có thể thấy, dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng kinh tế Việt Nam năm 2016 vẫn tăng trưởng tích cực.

“Tôi tán thành với việc điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, nhưng phải nói những doanh nghiệp xuất khẩu năm 2016, đặc biệt xuất khẩu sang khu vực đồng euro, Nhật Bản bị thiệt hại ghê gớm do USD lên giá, đồng Việt Nam giữ giá khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Nội tại ngoài nợ xấu, nợ công nên có đánh giá về bất lợi của doanh nghiệp trong năm 2016, tuy nhiên, Chính phủ chưa có nhiều cảnh báo cho những bất lợi này”, GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết.

Nhận định chung về nền kinh tế năm 2016, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, khi nhìn vào mục tiêu tăng trưởng và thực tế năm 2016 có thể thấy câu chuyện kinh tế của năm 2016 không hề đơn giản. Mặc dù có sự quyết tâm nhưng có sự cẩn trọng rất cao.

“Cái nhìn thận trọng ở chỗ bên cạnh con số tăng trưởng xuất khẩu có cần thiết không khi gắn liền với kinh tế vĩ mô? Bản chất tăng trưởng là công ăn việc làm, nhưng các khung pháp lý của Việt Nam hiện nay đang có một số điều bất cập. Bên cạnh đó, cần đặt câu hỏi lớn về việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đã đủ tốt chưa?”, TS. Võ Trí Thành nêu rõ./.

 

Theo VOV

.