Ông Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP: Nhiều quốc gia phản ứng
Một số nước tham gia TPP đã có những phản ứng trước tuyên bố rút khỏi TPP của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã công bố một đoạn băng ghi hình phác thảo những công việc mà ông sẽ làm trong trong ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Trắng.
Trong đó, liên quan đến vấn đề thương mại, ông Trump cho biết sẽ ban hành sắc lệnh hành pháp về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một số nước tham gia TPP đã có những phản ứng trước tuyên bố này của ông Trump.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP. (Ảnh: Getty Images) |
Trong đoạn băng, ông Trump nêu ra các bước đi sẽ thực hiện trong những ngày đầu tiên nhậm chức vào 20/1 tới, trong đó có vấn đề liên quan đến thương mại.
“Chương trình nghị sự của tôi sẽ dựa trên những nguyên tắc chủ chốt: Đặt lợi ích của người dân Mỹ lên trước tiên. Tôi đã đề nghị nhóm chuyển giao đưa ra danh sách các hành động giúp mang lại việc làm cho người dân Mỹ. Liên quan đến vấn đề thương mại, tôi sẽ đưa ra quyết định rút khỏi TPP – một thảm họa cho đất nước. Thay vào đó, chúng ta sẽ đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương công bằng”, ông Trump nêu rõ.
TPP đã chính thức được các bộ trưởng của 12 quốc gia ký kết vào tháng 2/2016 sau hơn 5 năm đàm phán, hiện đang ở giai đoạn chờ Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.
Tuy nhiên, triển vọng của thỏa thuận này trở nên khá mờ mịt sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã gọi TPP là một "thỏa thuận tồi", sẽ "cưỡng đoạt" nước Mỹ bằng việc đưa việc làm của người Mỹ sang những quốc gia có giá nhân công rẻ hơn.
Phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống đắc cử Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, sẽ là vô nghĩa nếu TPP không có sự tham gia của Mỹ.
Thủ tướng Shinzo Abe cũng cho biết, tại cuộc gặp ở Thủ đô Lima (Peru) bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong tuần này, các nhà lãnh đạo 12 nước thành viên TPP tái khẳng định thúc đẩy các thủ tục trong nước, như đưa ra quốc hội phê chuẩn để hiệp định có hiệu lực.
Tuy nhiên, các nước không thảo luận khả năng các thành viên còn lại sẽ cố gắng đảm bảo TPP có hiệu lực mà không có Mỹ.
“Nhật Bản sẽ nỗ lực hối thúc các nước đã kí kết nhanh chóng hoàn thành các thủ tục trong nước để phê chuẩn Hiệp ước này sớm nhất có thể. Không có một quốc gia đơn lẻ nào trong số các nước kí Thỏa thuận xem xét việc trì hoãn hay từ bỏ tiến trình pháp lí, trong bối cảnh tình hình thay đổi sau cuộc bầu cử Mỹ”, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh.
Trước đó, truyền thông Mỹ dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Orrin Hatch cho rằng, có thể ký thỏa thuận song phương Mỹ - Nhật Bản thay thế TPP, trong trường hợp Tổng thống đắc cử tại Mỹ không ủng hộ TPP.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ngày 22/11 cũng cho rằng, Australia cũng như 11 quốc gia khác trong TPP đều tin tưởng rằng, TPP là một cam kết chiến lược quan trọng của Mỹ.
“Tuy nhiên chính quyền và Quốc hội mới của Mỹ sẽ có những đánh giá riêng của mình. Thời gian sẽ cho chúng ta thấy liệu chính quyền và quốc hội Mỹ sẽ có quyết định gì với TPP”, Thủ tướng Malcolm Turnbull nêu rõ.
Ngoại trưởng Australia Julia Bishop trước đó cũng cảnh báo, nếu TPP không được phê chuẩn, khoảng trống sẽ tạo thuận lợi cho các nước thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (giữa 10 nước ASEAN và Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand), khi đó ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực sẽ bị giảm sút.
Hi vọng lớn nhất để TPP được thông qua trong năm nay là Tổng thống đương nhiệm Mỹ Barack Obama có thể thuyết phục được Quốc hội phê chuẩn Hiệp định trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa cũ, diễn ra sau tổng tuyển cử ngày 8/11 và trước khi Quốc hội mới nhóm họp.
Tuy nhiên, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell mới đây bác bỏ khả năng TPP sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội, trước khi Tổng thống đắc cử Trăm nhậm chức. Theo ông McConnell: "Chắc chắn thỏa thuận này sẽ không được đưa ra bàn thảo trong năm nay”./.
Theo VOV